* Mỹ nhận định khủng bố ở Iran có vẻ do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)
* 230 tù binh Ukraine được trao đổi lấy 248 binh sĩ Nga bị phía Ukraine bắt giữ
* Các thành viên NATO mua cả ngàn tên lửa hiện đại để đối phó Nga
Mỹ nói tấn công ở Iran giống phong cách của IS
Ngày 3-1, quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho rằng 2 vụ nổ tại lễ tưởng niệm tướng Iran Qassem Soleimani, người bị Washington tiêu diệt năm 2020, giống "cuộc tấn công khủng bố" mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng thực hiện. "Đó là giả định của chúng tôi vào lúc này", Hãng tin AFP dẫn lời quan chức Mỹ nhận định.
Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công làm hơn 100 người chết và hàng chục người bị thương ở thành phố Kerman, đông nam Iran.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington cũng như đồng minh Israel không liên quan đến vụ tấn công. Tuy nhiên, Tehran nghi ngờ điều này.
"Washington nói rằng Mỹ và Israel không có vai trò gì trong vụ tấn công khủng bố ở Kerman, Iran. Thật sao? Trách nhiệm về tội ác này thuộc về Mỹ và các chế độ theo chủ nghĩa Do Thái và khủng bố chỉ là một công cụ", ông Mohammad Jamshidi - cố vấn tổng thống Iran - cáo buộc trên mạng xã hội X.
* Iran thề trả thù. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã lên án "tội ác ghê tởm và vô nhân đạo", trong khi đó lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei thề sẽ trả thù cho vụ đánh bom kép đẫm máu.
"Những kẻ tội phạm tàn ác… phải biết rằng kể từ bây giờ chúng sẽ bị xử lý mạnh mẽ và chắc chắn chúng tôi sẽ có phản ứng gay gắt", truyền thông Iran dẫn lời ông Khamenei.
Mối quan hệ giữa Iran và Israel tiếp tục căng thẳng sau việc Tel Aviv không kích vào lãnh thổ Lebanon, ám sát phó thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas Saleh al-Arouri.
"Cỗ máy khủng bố độc ác của chế độ này ở các quốc gia khác là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và an ninh, đồng thời là lời cảnh báo nghiêm trọng đối với an ninh của các nước trong khu vực", kênh Press TV dẫn lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian chỉ trích.
Nhà ngoại giao Iran cho rằng các hoạt động "khủng bố" của Israel chứng tỏ nước này đã không đạt được mục tiêu trong cuộc chiến ở Gaza bất chấp sự hỗ trợ của Mỹ.
* Giá dầu tăng nhanh. Vụ nổ ở Iran khiến tình hình tại khu vực vốn đang nóng bởi xung đột Israel - Hamas thêm căng thẳng. Theo Hãng tin AFP, giá dầu Brent đã tăng 3,1% lên 78,25 USD/thùng và giá dầu ở Mỹ tăng 3,3% lên 72,7 USD/thùng sau vụ nổ.
"Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông sau vụ nổ bom ở Iran đã dẫn đến tâm lý e ngại rủi ro hơn nữa và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao", nhà phân tích thị trường Axel Rudolph đánh giá.
Đâm dao ở Nhật Bản làm nhiều người bị thương
Trong đêm 3-1, ít nhất 4 người bị thương trong một vụ đâm dao trên tàu điện ngầm đang dừng tại ga Akihabara, ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Cô gái trẻ đâm 4 người đàn ông trên tàu điện ngầm ở Nhật
Trong vụ việc xảy ra tại một trong những tuyến tàu đông đúc nhất Tokyo, một phụ nữ khoảng hơn 20 tuổi đã vung đao đâm 4 người đàn ông khiến 3 người nhập viện với vết thương ở lưng và cổ.
Theo Đài NHK, cảnh sát Tokyo đã bắt giữ người phụ nữ ngay tại chỗ vì tình nghi cố ý giết người sau khi đoàn tàu dừng khẩn cấp tại ga Akihabara. Cảnh sát nói rằng người phụ nữ về cơ bản đã thừa nhận cáo buộc.
Hình ảnh nhân chứng quay lại hiện trường cho thấy tình hình căng thẳng khi nhiều cảnh sát vây quanh người phụ nữ mặc áo khoác trắng và các nạn nhân được sơ cứu tại chỗ.
* Nga và Ukraine trao đổi hàng trăm tù nhân. Đêm 3-1, giờ địa phương, Nga và Ukraine thông báo hai bên đã tiến hành đợt trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột vào tháng 2-2022.
Theo thỏa thuận, do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) làm trung gian, 230 tù nhân chiến tranh Ukraine và 248 binh sĩ Nga đã được trả tự do và hồi hương trong cuộc trao đổi đầu tiên giữa 2 bên sau gần 5 tháng.
Đây là đợt trao đổi tù nhân thứ 49 giữa 2 nước trong 22 tháng xung đột. Việc trao đổi tù nhân đã đình trệ trong nửa cuối năm 2023 khi Ukraine mở đợt phản công nhằm lấy lại lãnh thổ từ sự kiểm soát của Nga.
* NATO mua sắm 1.000 tên lửa Patriot. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết nhóm các thành viên Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha đã ký hợp đồng mua tới 1.000 tên lửa phòng không Patriot nhằm tăng cường phòng không trước nguy cơ từ Nga, theo Hãng tin AFP.
Hợp đồng, trị giá khoảng 5,5 tỉ USD, được công bố trong bối cảnh Matxcơva đang tăng cường tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái ở Ukraine.
Theo thông báo, hợp đồng sản xuất và giao hàng sẽ được trao cho COMLOG, liên doanh giữa tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ và nhà sản xuất tên lửa MBDA của châu Âu, từ đó giúp hoạt động sản xuất tên lửa ở châu Âu sẽ được mở rộng.
"Tăng cường sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine và của chúng tôi", lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận