Ukraine có nguy cơ mất sự ủng hộ từ NATO
* Đức bực dọc với Ukraine vì liên tục đòi vũ khí. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ không gửi chiến đấu cơ cho Ukraine, đồng thời không để NATO dính líu trực tiếp vào cuộc chiến.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tagesspiegel ngày 29-1, ông Scholz cũng thể hiện sự không hài lòng với Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức ám chỉ Kiev nên ngừng liên tục đòi hỏi các nước cung cấp vũ khí, hết cái này đến cái khác. Bởi theo ông Scholz, điều đó có thể khiến chính quyền các nước căng thẳng và làm suy yếu niềm tin của người dân.
* Nhiều nước kêu gọi Israel - Palestine bình tĩnh. Ngày 29-1, cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đều lên tiếng kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế bạo lực, giảm leo thang căng thẳng sau các vụ việc liên tiếp khiến hàng chục người của cả hai bên thiệt mạng những ngày qua.
Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi hai bên tránh "vòng xoáy bạo lực". Ông cũng đồng thời nhấn mạnh Paris sẵn sàng làm trung gian hòa giải.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cùng ngày cũng yêu cầu "kiềm chế tối đa" và thúc giục các nước đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Israel với Palestine.
* NATO muốn liên kết an ninh với Hàn Quốc. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa NATO và Hàn Quốc để chống lại sự hung hăng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa toàn cầu khác, đồng thời nhấn mạnh liên kết an ninh là vượt ra ngoài ranh giới địa lý.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Hãng thông tấn Yonhap ngày 29-1, ông Stoltenberg gọi Triều Tiên là "mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu". Ông cũng nêu cáo buộc Triều Tiên đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga, bao gồm cả tên lửa và đạn pháo.
Người đứng đầu NATO nhấn mạnh "những gì xảy ra ở châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với châu Âu lẫn NATO, và ngược lại". Ông Stoltenberg đang ở thăm Hàn Quốc và dự kiến gặp Tổng thống Yoon Suk Yeol trong hôm nay 30-1.
* New York "hạn hán" tuyết kỷ lục. Tính đến ngày 29-1, thành phố New York đã trải qua 326 ngày không có tuyết rơi, phá kỷ lục về đợt tuyết muộn nhất trong mùa đông. Kỷ lục trước đó được thiết lập năm 1973, khi đợt tuyết đầu tiên được ghi nhận là ngày 29-1.
Trên thực tế, thành phố cũng từng ghi nhận một số đợt tuyết "non" trong mùa đông năm nay, nhưng chưa đủ dày để được gọi là “tuyết rơi có thể đo đếm được”. Các nhà khí tượng học định nghĩa tuyết rơi là khi xuất hiện lớp tuyết dày tối thiểu 0,1 inch (0,254cm) tại công viên Trung tâm (Central Park) ở thành phố New York.
Ukraine và Nga lại tố nhau chuyện không kích
* Thổ Nhĩ Kỳ "chơi chiêu" với Bắc Âu chuyện vào NATO. Ngày 29-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lần đầu tiên tuyên bố Ankara có thể chấp nhận Phần Lan gia nhập NATO mà không cần nước láng giềng Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn là những thành viên chưa phê chuẩn việc kết nạp cùng lúc Phần Lan và Thụy Điển. Phát ngôn của ông Erdogan có thể phá vỡ kế hoạch của NATO là nâng số thành viên lên 32 nước.
Ankara viện dẫn Stockholm không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan việc dẫn độ một số người trong danh sách "khủng bố". Theo giới quan sát, tuyên bố ngày 29-1 của ông Erdogan là một đòn cao tay.
Một mặt, nó tạo ra tâm lý nghi hoặc giữa hai nước Bắc Âu. Mặt khác, nó cũng tác động đến Phần Lan, tạo sức ép để nước này gây ảnh hưởng đến Thụy Điển trong việc đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tính toán này là do Helsinki vẫn muốn vào NATO cùng lúc với Stockholm.
* Ukraine và Nga lại tố nhau không kích. Ngày 30-1, tỉnh trưởng Kharkov, ông Oleh Synehubov cáo buộc Nga đã sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tấn công một tòa chung cư ở thành phố Kharkov hôm 29-1.
Tuyên bố cho biết ít nhất một người chết sau vụ việc nhưng không rõ số người bị thương. Hình ảnh từ hiện trường cho thấy lửa bao trùm một tòa nhà chung cư ở thành phố lớn thứ hai Ukraine.
Cùng ngày, chính quyền do Nga dựng lên ở tỉnh Zaporizhzhia cáo buộc Ukraine đã giết bốn người và làm bị thương năm người tại thành phố Melitopol. Phía Nga nhấn mạnh Kiev đã sử dụng hệ thống HIMARS để tấn công một cây cầu đường sắt bắc qua sông Molochna. Vụ tấn công khiến những người đang tu sửa cây cầu gặp nạn.
* Tổng thống đắc cử của Czech ủng hộ quan hệ với Đài Loan. Tổng thống vừa đắc cử Petr Pavel dự kiến sẽ khiến Trung Quốc đại lục tức giận với những bình luận mới nhất về Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn với Czech Radio, ông Pavel cho biết ông sẽ ủng hộ các mối quan hệ của đất nước mình với Đài Loan, vốn là một nhà đầu tư lớn ở Czech. Ông này cũng gợi ý "Chính sách một Trung Quốc" nên được bổ sung thêm nguyên tắc "hai chế độ".
"Không có gì sai nếu chúng ta có quan hệ cụ thể với Đài Loan, đó là hệ thống khác", ông Pavel nói. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và đang cố gắng khiến Đài Bắc bị cô lập trên trường quốc tế.
Bắc Kinh thường xuyên phản đối, ngăn cản bất kỳ động thái nào có thể đem lại ý niệm hợp pháp quốc tế đối với Đài Loan. Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về các phát ngôn của ông Pavel.
Mạo hiểm trên không
Anh Rafael Bridi (người Brazil) biểu diễn đi thăng bằng trên sợi dây cao 114m so với mặt đất và dài 510m. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 469 năm thành lập thành phố Sao Paulo hôm 25-1. Năm 2021, Bridi phá kỷ lục thế giới khi bước đi trên dây giữa hai quả khinh khí cầu ở độ cao gần 1.900m. - Ảnh: AFP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận