29/08/2024 06:31 GMT+7

Tin tức thế giới 29-8: Pháp điều tra chính thức CEO Telegram; Nga cấm nhập cảnh 92 công dân Mỹ

Ông Pavel Durov, CEO của Telegram, bị điều tra nhưng tại ngoại sau khi đóng 5 triệu euro; Hàng loạt mỏ dầu ở Libya bị phong tỏa do tranh chấp phe phái; Ba Lan tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 29-8.

Tin tức thế giới 29-8: Pháp điều tra chính thức CEO Telegram; Ba Lan tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng - Ảnh 1.

CEO Telegram Pavel Durov - Ảnh: AFP

Pháp điều tra chính thức CEO Telegram

Ngày 28-8, một thẩm phán Pháp đã chính thức mở cuộc điều tra đối với ông Pavel Durov, CEO của Telegram. Tuy nhiên, doanh nhân này đã được cho tại ngoại với điều kiện phải nộp khoản tiền bảo lãnh trị giá 5 triệu euro, báo cáo với cảnh sát hai lần mỗi tuần và không được rời khỏi lãnh thổ Pháp.

Công tố viên Paris Laure Beccuau cho biết thẩm phán đã tìm thấy đủ căn cứ để tiến hành điều tra chính thức đối với ông Durov về tất cả các cáo buộc mà ông đã bị bắt giữ cách đây bốn ngày.

Các cáo buộc bao gồm nghi ngờ ông Durov đồng lõa trong việc điều hành một nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, lưu trữ hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và lừa đảo, cùng với việc từ chối cung cấp thông tin cho chính quyền, rửa tiền và cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.

Luật sư của ông Durov chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức về yêu cầu bình luận.

Việc bị điều tra chính thức tại Pháp không đồng nghĩa với việc ông Durov bị coi là có tội hoặc sẽ phải ra tòa, mà chỉ ra rằng thẩm phán cho rằng có đủ bằng chứng để tiếp tục điều tra. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc bị đình chỉ.

Quyết định của thẩm phán được đưa ra sau khi Durov, người gốc Nga, đã được đưa khỏi nhà giam của cảnh sát sau bốn ngày thẩm vấn.

Hàng loạt mỏ dầu ở Libya bị phong tỏa do tranh chấp

Hàng loạt mỏ dầu ở Libya đã bị đóng cửa vào ngày 28-8 trong bối cảnh các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn không ngừng tranh chấp để giành quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương Libya (CBL) và nguồn thu từ dầu mỏ.

Trước đó ngày 26-8, chính quyền ở miền Đông Libya, nơi nắm giữ hầu hết các mỏ dầu trong nước, tuyên bố sẽ phong tỏa mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ.

Sản lượng của mỏ Sarir đạt khoảng 209.000 thùng/ngày trước khi hoạt động sản xuất của mỏ này bị giảm mạnh.

Chính quyền miền Đông cũng đã ban bố tình trạng bất khả kháng đối với hoạt động xuất khẩu dầu tại mỏ Sharara có sản lượng 300.000 thùng/ngày.

Tình trạng gián đoạn sản xuất cũng diễn ra tại các mỏ El Feel, Amal, Nafoora và Abu Attifel của Libya.

Libya là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có mức sản lượng khoảng 1,18 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Việc chính quyền ở miền Đông Libya đóng cửa hàng loạt mỏ dầu là động thái trả đũa việc Hội đồng Tổng thống Libya có trụ sở tại Tripoli sa thải thống đốc CBL Sadiq Al-Kabir, khiến các phe phái vũ trang ở Libya tăng cường huy động và điều động lực lượng.

Công ty AI của tỉ phú Elon Musk bị đề nghị ngừng hoạt động

Công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo XAI của tỉ phú Elon Musk đang đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định môi trường khi vận hành các turbine khí tại trung tâm dữ liệu ở Texas mà không có giấy phép hợp lệ.

Một nhóm bảo vệ môi trường tại Mỹ có tên Trung tâm luật môi trường miền Nam đã chỉ trích việc sử dụng turbine khí của XAI, cho rằng hành động này không chỉ vi phạm các quy định cấp phép mà còn có thể gây hại cho môi trường.

Trung tâm này đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và yêu cầu XAI ngừng ngay việc vận hành các turbine khí cho đến khi công ty có đầy đủ giấy phép và đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Cuối tháng trước, tỉ phú Elon Musk cho biết hệ thống chip mạnh mẽ Nvidia H100 đã bắt đầu đào tạo mô hình trí tuệ nhân tạo Grok của xAI và gọi trung tâm dữ liệu ở Tennessee là "cụm đào tạo AI mạnh nhất thế giới".

Ông Elon Musk cũng cho biết cơ sở này sẽ mang lại lợi thế đáng kể trong việc đào tạo trí tuệ nhân tạo mạnh nhất thế giới vào tháng 12 tới.

Công ty khởi nghiệp XAI được tỉ phú Elon Musk thành lập vào năm 2023 và được định giá hơn 24 tỉ USD hồi tháng 5 vừa qua. Công ty được coi là đối thủ cạnh tranh với OpenAI, Google của Alphabet và Anthropic.

Tin tức thế giới 29-8: Pháp điều tra chính thức CEO Telegram; Ba Lan tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng - Ảnh 2.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 chuẩn bị phóng ở Trung tâm Vũ trụ Florida, Mỹ, ngày 26-8 - Ảnh: REUTERS

SpaceX Falcon 9 bị đình chỉ bay sau sự cố hạ cánh thất bại

Ngày 28-8, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo về việc đình chỉ bay đối với tên lửa Falcon 9 của SpaceX sau khi thất bại trong việc hạ cánh trở lại Trái đất. Đây là lần thứ hai trong năm nay SpaceX phải đối mặt với lệnh đình chỉ này.

Trước đó cùng ngày, Falcon 9 đã phóng thành công một loạt vệ tinh Internet Starlink vào quỹ đạo từ Florida.

Tầng đẩy đầu tiên của tên lửa, có khả năng tái sử dụng, đã trở về Trái đất và cố gắng hạ cánh trên một tàu không người lái giữa biển như thường lệ. Tuy nhiên, theo hình ảnh trực tiếp từ SpaceX, tên lửa đã đổ xuống biển sau khi tiếp đất.

"Vụ việc liên quan đến thất bại của tên lửa tầng đẩy Falcon 9 khi hạ cánh trên một tàu không người lái trên biển. Không có thương vong hay thiệt hại tài sản được báo cáo. FAA yêu cầu một cuộc điều tra", một phát ngôn viên của FAA cho biết.

Việc đình chỉ Falcon 9, một tên lửa mà phần lớn thế giới phương Tây dựa vào để phóng vệ tinh và con người vào không gian, là điều hiếm hoi. Tên lửa này gần đây nhất bị đình chỉ vào tháng 7, sau khi gặp sự cố ở tầng hai trong không gian, khiến một lô vệ tinh Starlink bị hỏng.

Mặc dù không có vệ tinh hay con người nào gặp nguy hiểm, nhưng việc hạ cánh thất bại cho thấy có điều gì đó đã sai trong quá trình hoạt động của tên lửa. FAA lo ngại rằng nếu không điều tra kỹ lưỡng, sự cố này có thể gây ra rủi ro lớn hơn trong các sứ mệnh tương lai.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chịu trách nhiệm điều chỉnh Falcon 9 cho các sứ mệnh riêng. Hiện chưa rõ lệnh đình chỉ mới nhất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sứ mệnh của NASA.

Ba Lan tăng chi tiêu quốc phòng cho năm 2025 lên mức kỷ lục

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết trong dự thảo ngân sách năm 2025, chính phủ nước này đề xuất tăng mức chi tiêu cho quốc phòng lên mức cao kỷ lục.

Cụ thể, Thủ tướng Tusk nhấn mạnh Chính phủ Ba Lan do ông đứng đầu đã quyết định mức chi tiêu quốc phòng trong năm 2025 vào khoảng 187 ti PNL (48,7 tỉ USD). Như vậy, Ba Lan tiếp tục tăng chi tiêu cho quốc phòng trong năm 2025 sau khi dự kiến chi khoảng 159 tỉ PNL (41,59 tỉ USD) trong năm 2024, tương đương 4,1 - 4,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Stanislaw Wziatek, chi tiêu quốc phòng của nước này trong năm 2025 dự kiến chiếm khoảng 4,7% GDP.

Việc dành 4,7% GDP phân bổ cho quốc phòng sẽ tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu của Ba Lan trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về chi tiêu quốc phòng. Ba Lan cũng là quốc gia thành viên duy nhất trong NATO chi cho quốc phòng vượt mức 4% GDP.

Chính phủ Ba Lan hy vọng kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2025 nhưng thâm hụt ngân sách cũng được dự báo sẽ tăng lên mức 289 tỉ PNL (75,3 tỉ USD).

Nga cấm nhập cảnh 92 công dân Mỹ vì lập trường chống Nga

Ngày 28-8, Bộ Ngoại giao Nga thông báo cấm nhập cảnh đối với 92 công dân Mỹ, bao gồm các nhà báo, luật sư và các lãnh đạo của những công ty quân sự - công nghiệp mà Nga cho là chủ chốt, với lý do có lập trường "chống Nga".

Cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa Matxcơva và Washington vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trước đó, ngày 27-8, Nga cảnh báo rằng phương Tây đang "đùa với lửa" khi cân nhắc việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng các tên lửa do phương Tây cung cấp.

Danh sách các cá nhân bị cấm nhập cảnh, được Bộ Ngoại giao Nga công bố trên Telegram, bao gồm 14 nhà báo của tờ Wall Street Journal, 5 nhà báo từ tờ New York Times và 4 người từ tờ Washington Post.

Wall Street Journal, tờ báo có phóng viên Evan Gershkovich vừa được phóng thích trong một cuộc trao đổi tù nhân sau 16 tháng bị giam giữ tại Nga, đã miêu tả lệnh cấm này là "nực cười" và coi đây là một phần của cuộc tấn công vào tự do báo chí.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ nhắm vào các biên tập viên và phóng viên của những tờ báo mà họ cho là đã sản xuất và lan truyền các thông tin "giả mạo" về lực lượng vũ trang Nga.

Nga cho rằng lệnh cấm này là phản ứng trước "chính sách chống Nga" của chính quyền ông Biden, trong đó bao gồm các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với các chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học và nhà báo Nga.

Danh sách cấm nhập cảnh cũng bao gồm một số công tố viên bang, nhân viên của các công ty công nghiệp quốc phòng Mỹ và các giáo sư đại học.

Hạn hán

Tin tức thế giới 29-8: Pháp điều tra chính thức CEO Telegram; Ba Lan tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng - Ảnh 2.

Con cá chết trơ xương dưới lòng đập Las Lajas đã cạn khô do hạn hán nghiêm trọng ở vùng đô thị Buenaventura, bang Chihuahua, Mexico ngày 23-8 - Ảnh: REUTERS

Tin tức thế giới 29-8: Pháp điều tra chính thức CEO Telegram; Ba Lan tăng kỷ lục chi tiêu quốc phòng - Ảnh 2.Tin tức thế giới 28-8: Ông Trump lại bị truy tố; Ukraine tạm ngưng trả nợ nước ngoài

Ukraine tạm ngưng trả nợ nước ngoài; Ông Trump, bà Harris lại cãi nhau về việc tranh luận; Israel tuyên bố giải cứu thêm con tin... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 28-8.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp