* Ông Putin lên tiếng về vụ máy bay chở tù binh Ukraine bị bắn hạ
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định chiếc máy bay Il-76 của Nga đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ, không quan tâm tới việc Kiev có cố ý hay không.
Phát biểu ngày 26-1 là lần đầu tiên ông Putin bình luận về việc chiếc máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga rơi tại vùng Belgorod tuần này. Nga cho biết đó là chiếc máy bay chở 74 người, trong đó có 65 tù binh Ukraine. Matxcơva cáo buộc Kiev cố ý bắn máy bay chở tù binh.
Tới nay, phía Ukraine không xác nhận hay bác bỏ việc họ có bắn máy bay hay không, đồng thời đưa ra những tuyên bố trái ngược với Nga xung quanh chi tiết liên quan tới vụ việc.
Nhưng theo ông Putin, việc Ukraine bắn hạ máy bay chở tù binh là một thực tế. Ông nói: "Tôi không rõ liệu họ cố ý hành động hay sai sót gì, nhưng rõ ràng họ đã làm. Trong bất kỳ trường hợp nào, những chuyện đã xảy ra vừa rồi là một tội ác".
* Mỹ kêu gọi Hungary gật đầu cho Thụy Điển vào NATO
Ngày 26-1, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết Mỹ đang thúc giục Hungary nhanh chóng chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hungary đang là nước cuối cùng trong NATO chưa đồng ý với tư cách thành viên của Thụy Điển. Trước đó trong tuần này, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn gia nhập của Thụy Điển.
Trong hôm 26-1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin cho hay ông đồng ý bán máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những động thái được cho liên quan tới chuyện Ankara chấp thuận đơn gia nhập NATO của Thụy Điển.
* Tranh cãi phán quyết về hành động của Israel ở Gaza
Ngày 26-1, Tòa Công lý quốc tế (ICJ) ra phán quyết buộc Israel thực hiện mọi biện pháp trong khả năng để ngăn hành động diệt chủng ở Dải Gaza. Israel cũng được yêu cầu phải báo cáo với tòa trong vòng một tháng về những gì họ đang làm để duy trì lệnh này.
Israel đã phản ứng trước phán quyết "thái quá" của ICJ, nhấn mạnh họ có quyền tự vệ. Trong tuyên bố về vấn đề này, Mỹ cũng nói cáo buộc diệt chủng là vô căn cứ, và rằng đồng minh Israel có quyền tự vệ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Israel đã tấn công Dải Gaza do tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine kiểm soát. Đây được cho là hành động trả đũa việc Hamas tấn công làm chết hơn 1.000 người trên đất Israel ngày 7-10. Tuy nhiên, việc Israel vây hãm Gaza cũng chịu sự phản ứng của nhiều nước trên thế giới, khi đã khiến hàng chục ngàn người dân Palestine thiệt mạng chỉ trong vòng vài tháng giao tranh.
* Trung Quốc và Triều Tiên nhất trí bảo vệ lợi ích chung
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 27-1, Triều Tiên và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác và bảo vệ lợi ích chung, khi Ngoại trưởng Choe Son Hui gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông.
* Tổng thống Nga phát lệnh đóng tàu phá băng hạt nhân mới
Ngày 26-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát lệnh đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên Leningrad.
Phát biểu tại sự kiện, ông Putin lưu ý đây là một sự kiện quan trọng diễn ra tại Nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg, khi tàu phá băng Leningrad được chính thức đặt ky. Đây là tàu phá băng hạt nhân đa năng thứ 5 được đặt ky và có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko; Thống đốc thành phố St. Petersburg, ông Alexander Beglov; người đứng đầu Tập đoàn Rosatom, ông Alexey Likhachev; và người đứng đầu Ngân hàng Ngoại thương (VTB) Andrey Kostin.
Lễ đặt ky tàu phá băng Leningrad diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 80 năm giải phóng hoàn toàn Leningrad khỏi vòng vây phong tỏa của phát xít Đức. Tổng thống Putin nói rõ: “Chiếc tàu phá băng hùng mạnh mới sẽ là hình ảnh gợi nhớ chiến công bất tử của Leningrad, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của những người bảo vệ và người dân thành phố trong việc vượt qua mọi khó khăn để chống lại phát xít”.
* Ông Biden cam kết cải cách biên giới "cứng rắn và công bằng nhất"
Ngày 26-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nếu thỏa thuận về vấn đề biên giới được thông qua, đây sẽ là một loạt cải cách "cứng rắn và công bằng nhất" mà Mỹ đưa ra đối với chuyện kiểm soát biên giới phía nam với Mexico.
Thỏa thuận biên giới là một trong những tranh cãi gay gắt nhất giữa chính quyền ông Biden với Đảng Cộng hòa. Những nghị sĩ bên phía Đảng Cộng hòa chỉ trích chính sách biên giới của ông Biden, yêu cầu phải kiểm soát dòng người nhập cư bất hợp pháp. Bế tắc trong thỏa thuận này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc Chính phủ Mỹ "đóng băng" và không thể thông qua các chính sách khác, bao gồm việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận