Thủ tướng Israel tố Hezbollah ám sát ông
Ngày 19-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn cố gắng ám sát ông sau vụ máy bay không người lái (drone) tấn công nhà của ông ở thị trấn Caesarea.
Thủ tướng Israel cáo buộc Hezbollah ám sát
"Nỗ lực ám sát tôi và vợ tôi của lực lượng ủy nhiệm Hezbollah của Iran hôm nay là một sai lầm nghiêm trọng. Bất kỳ ai cố gắng gây hại cho công dân Israel sẽ phải trả giá đắt", ông Netanyahu nói gay gắt.
Nhà lãnh đạo Israel và vợ không có mặt tại đây khi vụ tấn công xảy ra và không bị thương. Chính quyền Tel Aviv cho biết drone được phóng từ Lebanon.
Hezbollah không thừa nhận vụ tấn công và tiếp tục bắn loạt rocket vào miền bắc Israel. Tuy nhiên, phái bộ Iran tại Liên Hiệp Quốc cuối ngày 19-10 đã xác nhận nhóm này đứng sau vụ việc.
"Hành động này do Hezbollah của Lebanon thực hiện", Hãng thông tấn IRNA dẫn lời phái bộ Iran trả lời khi được hỏi về vai trò của Tehran trong vụ tấn công.
Israel oanh tạc Beirut và Gaza
Ngày 19-10, Israel thông báo đã tấn công các cơ sở quân sự của Hezbollah, gồm các kho vũ khí và đầu não tình báo của nhóm này, ở khu vực phía nam thủ đô Beirut của Lebanon.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh Washington muốn Israel giảm bớt một số cuộc không kích ở trong và xung quanh Beirut.
Tại Gaza, máy bay Israel đã thả tờ rơi xuống phía nam Gaza in hình ảnh nhà lãnh đạo Yahya Sinwar của phong trào Hồi giáo Hamas cùng thông điệp: "Hamas sẽ không còn cai trị Gaza nữa".
Cùng lúc, các cuộc không kích của Israel vào một tòa nhà nhiều tầng ở thị trấn Beit Lahiya, phía bắc Gaza đã giết chết ít nhất 73 người và làm bị thương hàng chục người, theo cơ quan y tế Gaza.
Nhóm G7 cảnh báo Iran ngừng hỗ trợ Hamas, Hezbollah
Tại cuộc gặp ngày 19-10, bộ trưởng Quốc phòng nhóm các nước G7 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Canada bày tỏ lo ngại về việc leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
"Chúng tôi lo ngại về những sự kiện mới nhất ở Lebanon và nguy cơ leo thang hơn nữa. Chúng tôi bày tỏ lo ngại về mọi mối đe dọa đối với an ninh của UNIFIL", tuyên bố của các bộ trưởng cho biết. Thời gian qua, Liên Hiệp Quốc chỉ trích Israel nhiều lần tấn công vào phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (UNIFIL) tại miền nam Lebanon.
Nhóm G7 cũng kêu gọi Iran ngừng hỗ trợ Hamas và Hezbollah. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã gặp một đại diện của Hamas tại Istanbul vào thứ bảy, theo hãng thông tấn chính thức IRNA.
Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin can thiệp bầu cử
Bộ Ngoại giao Mỹ đang treo giải thưởng lên tới 10 triệu USD cho thông tin dẫn đến bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài nào tham gia vào việc can thiệp bầu cử tổng thống đang cận kề.
Một thông báo của bộ này đã nêu đích danh tổ chức truyền thông Nga Rybar LLC, nói rằng tổ chức này đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để "gieo rắc bất hòa, thúc đẩy chia rẽ xã hội, kích động bất hòa đảng phái và chủng tộc, và khuyến khích thù hận và bạo lực ở Mỹ".
Cụ thể, Rybar đã thiết lập một kênh trên nền tảng X có tên là "TexasvsUSA" và sử dụng kênh này để khai thác vấn đề người nhập cư không có giấy tờ vượt biên giới Texas.
"Rybar dựa vào các mối quan hệ và nguồn tài trợ từ Rostec để củng cố năng lực quân sự của Nga và thúc đẩy các câu chuyện ủng hộ Nga và chống phương Tây", Hãng tin AFP dẫn thông báo cho biết, nhắc đến tổ chức công nghiệp quốc phòng Nga Rostec mà Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2022. Rybar và chính quyền Nga chưa đưa ra phản ứng.
Ông Trump và bà Harris thu hút cử tri bỏ phiếu sớm
Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump tích cực vận động trong ngày 19-10, nhắm đến các cử tri ở các bang bầu cử sớm từ Georgia đến Pennsylvania.
"Vào ngày bầu cử, chúng ta không muốn hối tiếc về những gì chúng ta có thể đã làm trong 17 ngày tới", bà Harris nói với nhóm khoảng 300 cử tri chuẩn bị đi bỏ phiếu ở bang Michigan trước khi lên đường đến bang Georgia.
Trong khi đó, ông Trump đã đến Pennsylvania trước khi có mặt tại Michigan vào cuối tuần này. Cựu tổng thống Mỹ 78 tuổi bác bỏ cáo buộc của bà Harris rằng ông đã kiệt sức vì tốc độ của những ngày cuối chiến dịch. "Tôi thậm chí còn không mệt", ông Trump nói, khẳng định ông không hề hủy bất cứ sự kiện nào.
Bà Harris và ông Trump về cơ bản là ngang nhau ở các bang chiến trường và nhiều người Mỹ đang bỏ phiếu sớm qua thư hoặc trực tiếp khi chỉ còn 17 ngày nữa là đến cuộc bầu cử ngày 5-11.
Triều Tiên chỉ trích nhóm giám sát trừng phạt do Mỹ dẫn đầu
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho rằng một nhóm giám sát lệnh trừng phạt đa phương mới do Mỹ đứng đầu là "hoàn toàn bất hợp pháp và không chính đáng".
Trong tuần này, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm thứ tư đã công bố thành lập một nhóm đa quốc gia mới để giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, sau khi cáo buộc Nga và Trung Quốc cản trở các hoạt động giám sát tại Liên Hiệp Quốc.
"Những thế lực tham gia vào chiến dịch bôi nhọ Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt", Hãng thông tấn KCNA dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui phát biểu. Theo ông Choe, việc thành lập nhóm này là hành vi sai trái của Washington khi coi thường trật tự quốc tế và là "sự vi phạm trắng trợn nhất" đối với chủ quyền của Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận