Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
* Tổng thống Mỹ, Pháp đưa ra tuyên bố về Nga. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emanuel Macron cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động và "tội ác chiến tranh" ở Ukraine.
Cả hai nhắc lại "quyết tâm kiên định của họ buộc Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động và tội ác chiến tranh được ghi nhận rộng rãi, do cả lực lượng vũ trang chính quy và lực lượng ủy nhiệm của Nga gây ra, bao gồm cả lính đánh thuê", tuyên bố cho biết.
* Mỹ trừng phạt quan chức Triều Tiên. Ngày 1-12, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba quan chức cấp cao của Triều Tiên có liên quan đến các chương trình vũ khí của nước này, sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới nhất và lớn nhất của Bình Nhưỡng vào tháng trước.
Bộ Tài chính Mỹ nêu tên các quan chức bị trừng phạt là Jon Il Ho, Yu Jin và Kim Su Gil, tất cả đều từng bị Liên minh châu Âu (EU) chỉ định trừng phạt hồi tháng 4 năm nay.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất được đưa ra sau vụ thử ICBM ngày 18-11 của Triều Tiên và giữa những lo ngại rằng nước này có thể sắp nối lại việc thử bom hạt nhân đã bị đình chỉ kể từ năm 2017.
* Nga mất niềm tin vào OSCE. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết lập trường của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho thấy cơ quan giám sát quyền và an ninh hàng đầu của châu Âu đang mất dần ý nghĩa.
Theo Hãng tin Reuters, ông Peskov trước đó đã được hỏi liệu Nga có thể từ bỏ tổ chức này hay không.
Ngoài ra, ông cũng cho biết Matxcơva không có kế hoạch liên lạc với chính quyền Mỹ trước cuối năm nay, đồng thời kêu gọi tiến hành bí mật các cuộc thảo luận về khả năng trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg - Ảnh: REUTERS
* Tổng thư ký NATO không xem Trung Quốc là kẻ thù. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết Trung Quốc đặt ra một thách thức đối với an ninh và các giá trị của liên minh quốc phòng này, nhưng không được coi là một kẻ thù.
"Mỗi đồng minh riêng lẻ phải tìm ra sự cân bằng giữa việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc, và ngăn chặn việc trở nên quá phụ thuộc hoặc dễ bị tổn thương trong tương tác kinh tế với Trung Quốc" - ông Stoltenberg phát biểu tại Hội nghị An ninh Berlin ngày 1-12.
* Ukraine mất đến 13.000 binh sĩ trong xung đột với Nga. Ngày 1-12, cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak nói các lực lượng vũ trang của Ukraine đã mất khoảng 10.000 - 13.000 binh sĩ cho đến nay trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Tuyên bố này là ước tính đầu tiên về số người chết kể từ cuối tháng 8 vừa qua, sau khi người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine cho biết gần 9.000 quân nhân đã thiệt mạng. "Chúng tôi có số liệu chính thức từ bộ tổng tham mưu, chúng tôi có số liệu chính thức từ chỉ huy cao nhất, và con số này lên tới (từ) 10.000 và 12.500 - 13.000 người thiệt mạng", ông Podolyak nói.
* Triều Tiên gửi lời chia buồn tin cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi lời chia buồn tới Trung Quốc sau sự ra đi của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người mà ông Kim nói đã ủng hộ chủ nghĩa xã hội chính nghĩa của Triều Tiên và giúp phát triển quan hệ giữa hai nước.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết những bình luận trên nằm trong bức thư của ông Kim gửi cho Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình.
Người dân đi bộ giữa lúc mất điện ở thành phố Kiev, Ukraine - Ảnh: REUTERS
* Thị trưởng Kiev kêu gọi dân dự trữ cho mùa đông. Ngày 1-12, thị trưởng Kiev Vitali Klitschko đã kêu gọi người dân dự trữ nước, thực phẩm và quần áo ấm trong trường hợp mất điện hoàn toàn do các cuộc không kích của Nga, đồng thời cho biết người dân nên cân nhắc ở lại với bạn bè ở ngoại ô thủ đô nếu có thể.
Ông Klitschko cảnh báo rằng nhiệt độ trong nhà có thể giảm nhanh chóng trong trường hợp "mất điện và phá hủy cơ sở hạ tầng cũng như hoàn toàn không có điện, cấp nước, thoát nước và cung cấp nhiệt".
* Tổng thống Pháp không đồng tình nới lỏng kiểm duyệt nội dung Twitter. Ngày 1-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc tỉ phú Elon Musk nới lỏng các chính sách kiểm duyệt nội dung trên Twitter là "một vấn đề lớn".
Nền tảng truyền thông xã hội Twitter thuộc sở hữu của ông Musk vào đầu tuần này đã quyết định hủy bỏ chính sách nhằm giải quyết thông tin sai lệch liên quan đến dịch COVID-19. Giới quan sát lo ngại điều đó có thể làm tăng nguy cơ tin giả khi sự lây nhiễm gia tăng ở Trung Quốc và các nơi khác.
Tham gia chương trình truyền hình Good Morning America, ông Macron bình luận: "Tự do ngôn luận và dân chủ dựa trên sự tôn trọng và trật tự công cộng. Bạn có thể biểu đạt, bạn có thể có tự do ngôn luận, bạn có thể viết những gì bạn muốn, nhưng có những trách nhiệm và giới hạn".
Sống có trách nhiệm
Cổ động viên Nhật Bản dọn rác đựng trong túi nhựa khi họ dọn dẹp khán đài sau trận đấu Nhật Bản - Tây Ban Nha tại World Cup 2022 ở Qatar, ngày 2-12 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận