Ngoại trưởng Ukraine đã gặp đặc sứ Trung Quốc hôm 17-5 tại Kiev. Đây là chuyến đi đầu tiên của một phái viên cấp cao Trung Quốc tới Ukraine, kể từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2-2022.
* Ukraine không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Nga
Ngày 17-5, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã có một số cuộc đàm phán cùng ông Li Hui - đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu và là cựu đại sứ tại Nga, tại Kiev.
Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Kuleba khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc đóng băng cuộc xung đột.
Ông Li Hui được xem là một trong những nhân tố quan trọng cho kế hoạch hòa bình của Trung Quốc tại Ukraine. Bắc Kinh đã bày tỏ thiện chí làm trung gian cho cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine.
* Czech hủy bỏ sắc lệnh cấp đất miễn phí cho đại sứ quán Nga thời Liên Xô
Ngày 17-5, Czech đã hủy bỏ các sắc lệnh từ thời Liên Xô cho phép đại sứ quán Nga sử dụng đất miễn phí ở Prague và các thành phố khác.
Đây được xem là một diễn biến khác trong cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài hơn hai năm giữa hai nước do cuộc xung đột ở Ukraine.
Năm 2021, Prague cáo buộc các nhân viên tình báo Nga đứng sau vụ nổ tại một kho vũ khí ở Czech vào năm 2014.
Theo Reuters, Chính phủ Czech đã hủy bỏ sắc lệnh cấp cho Nga quyền sử dụng hàng chục lô đất trong những năm 1970 và 1980 của các nhà cầm quyền thời trước.
* Nạn nhân Đức đạp xe đến Rome để gây sức ép với Giáo hoàng. Ngày 17-5, một nhóm nạn nhân người Đức từng bị lạm dụng đã kêu gọi Giáo hoàng Francis tăng cường nỗ lực chống lại "sự lạm dụng tình dục và tinh thần" của các giáo sĩ, sau khi hoàn thành chuyến đạp xe dài 900km từ Munich đến Vatican.
Các vụ bê bối lạm dụng đã hủy hoại danh tiếng của Giáo hội Công giáo và là một thách thức lớn đối với Giáo hoàng. Giáo hoàng đã thông qua một loạt biện pháp nhằm buộc hệ thống phân cấp của Giáo hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
* Gần 250.000 người chạy trốn lũ "đại dương" ở Somalia. Theo Chính phủ Somalia, lũ lụt đã khiến 245.000 người nước này phải rời bỏ nhà cửa.
Sông Shabelle ở miền trung Somalia đã vỡ bờ và nhấn chìm thị trấn Beledweyne, trong bối cảnh đất nước này phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ.
Người dân địa phương cho biết những trận mưa trái mùa tại Somalia và thượng nguồn vùng cao nguyên Ethiopia đã gây ra lũ quét, cuốn trôi nhà cửa và gia súc, đồng thời khiến các trường học và bệnh viện ở thủ phủ Beledweyne của vùng Hiraan phải tạm thời đóng cửa.
Ông Ahmed Nur, một người dân địa phương nói với hãng tin Reuters: "Toàn bộ thành phố bị nhấn chìm trong nước. Beledweyne trông như một đại dương vậy. Chỉ có thể nhìn thấy nóc nhà, và chúng tôi phải dùng xuồng, máy kéo để cứu người dân".
Theo văn phòng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), kể từ giữa tháng 3, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 460.000 người trên toàn Somalia và giết chết 22 người.
* Ít nhất bốn người Nigeria thiệt mạng trong cuộc tấn công vào đoàn xe Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ít nhất bốn người Nigeria đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào đoàn xe gồm hai phương tiện của Chính phủ Mỹ ở Nigeria ngày 17-5.
Ông Blinken cũng thông tin thêm rằng cuộc tấn công dường như không nhằm vào phái bộ Mỹ ở đó.
Trong một tuyên bố ngày 17-5, ông Blinken cho biết phái bộ Mỹ và Nigeria đang phối hợp xác định vị trí và tình trạng của những người mất tích. Tổng cộng có chín công dân Nigeria trong đoàn xe, ông nói.
* Tổng thống Biden tự tin Chính phủ Mỹ sẽ không vỡ nợ
Ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông tin tưởng rằng ông và các nhà lập pháp hàng đầu của cả hai đảng sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách. Ông Biden khẳng định Mỹ sẽ không vỡ nợ.
Phát biểu trước khi tới Nhật Bản tham dự cuộc họp G7, ông Biden cho biết các nhà đàm phán nợ sẽ gặp nhau và ông sẽ liên lạc chặt chẽ với họ trong chuyến đi của mình.
* Chuyên gia Liên Hiệp Quốc: Nga, Trung Quốc hỗ trợ vũ khí cho quân đội Myanmar
Ngày 17-5, một chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết quân đội Myanmar đã nhập khẩu ít nhất 1 tỉ USD vũ khí và các vật liệu khác kể từ khi quân đội giành lại quyền lực vào tháng 2-2021.
Trong báo cáo mới của mình, chuyên gia này cho rằng Nga và Trung Quốc đã hỗ trợ chính quyền quân sự trong việc đàn áp phe đối lập.
Theo Hãng tin Reuters, kể từ khi quân đội Myanmar nắm quyền, một số người phản đối chế độ quân sự đã nổi dậy. Quân đội đã đáp trả bằng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng, kể cả ở các khu vực dân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận