* Cuộc gặp của Giáo hoàng với các đại diện nạn nhân xung đột tại Gaza tổ chức ở Vatican
* Mỹ đồng ý bán cho Nhật Bản 400 tên lửa Tomahaw
* Mỹ và Ukraine tổ chức hội nghị công nghiệp quân sự
Mỹ lên án tỉ phú Elon Musk vì lập luận chống Do Thái
Hôm 17-11, Nhà Trắng cáo buộc tỉ phú Elon Musk truyền bá những lời xuyên tạc chống Do Thái trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter), mô tả đây là hành động "khuyến khích chống Do Thái và phân biệt chủng tộc ghê gởm", và "đi ngược lại với những giá trị cốt lõi của người Mỹ".
Trước đó vào ngày 15-11, ông Musk bị cho đã ủng hộ một bài viết trên X có nội dung "thuyết âm mưu", trong đó cho rằng người Do Thái và người cánh tả đang cố gắng thay thế văn hóa và dân tộc của người da trắng bằng những người nhập cư không phải da trắng. Việc làm này được hiểu sẽ dẫn tới một cuộc "diệt chủng da trắng".
Theo Reuters, phản ứng của Nhà Trắng được đưa ra sau khi ít nhất hai công ty lớn rút quảng cáo khỏi nền tảng X. Việc này xuất phát từ chuyện Công ty Media Matters phát hiện quảng cáo của IBM và Apple cũng như nhiều thương hiệu khác bị đặt cạnh nội dung ủng hộ Adolf Hitler và Đảng Quốc xã.
Mỹ trừng phạt 7 người tại Iraq vì tấn công lính Mỹ
Ngày 17-11, Mỹ công bố các lệnh trừng phạt lên 7 người bị cho có liên kết với các tay súng dân quân thân Iran tại Iraq.
Phía Mỹ khẳng định các tay súng này chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công gần đây nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ xác định lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria đã bị tấn công hơn 55 lần kể từ giữa tháng 10 vừa qua, khiến hàng chục lính Mỹ bị thương nhẹ.
Đây được xem là số lượng tấn công gia tăng, liên quan tới cuộc chiến giữa Israel và Hamas hiện nay.
Giáo hoàng sẽ gặp người Palestine và thân nhân của con tin ở Gaza
Vào tuần tới, tại Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis sẽ có các cuộc gặp riêng biệt với người Palestine cũng như thân nhân người bị tổ chức Hồi giáo Hamas bắt làm con tin tại Dải Gaza. Thông tin này được Vatican đưa ra hôm 17-11, xác nhận bản tin trước đó của Reuters về việc này.
Hơn 10.000 người đã chết kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng phát vào ngày 7-10. Israel quyết tâm tấn công Dải Gaza do Hamas kiểm soát, nhằm trả đũa vụ tấn công ngày 7-10 mà Hamas thực hiện, làm chết 1.200 người tại Israel.
Cuộc tấn công của Israel tuy vậy gây ra lo ngại về vấn đề nhân đạo, khi hơn 2,3 triệu người Palestine còn mắc kẹt tại Gaza, cũng như tính mạng của hơn 230 con tin nằm trong tay Hamas.
Trong một phát biểu về cuộc gặp sắp tới, phát ngôn viên Matteo Bruni của Vatican khẳng định Giáo hoàng muốn chia sẻ với sự mất mát của cả người Palestine lẫn Israel.
Mỹ phê chuẩn thỏa thuận tên lửa tầm xa với Nhật Bản
Ngày 17-11, Mỹ phê chuẩn yêu cầu của Nhật Bản về việc mua 400 tên lửa Tomahawk. Đây là một phần trong nỗ lực chi tiêu nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của Tokyo.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã phê chuẩn thỏa thuận trị giá 2,35 tỉ USD cho hai loại tên lửa Tomahawk, vốn có tầm bắn 1.600km.
Cơ quan ngoại giao Mỹ khẳng định việc bán vũ khí cho Nhật được thực hiện nhằm "cải thiện an ninh cho một đồng minh quan trọng, một lực lượng đóng góp vào sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái. Bình Dương".
Trong tuyên bố về thỏa thuận này, Mỹ cho rằng quyết định trên sẽ "cải thiện năng lực của Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu đối phó các mối đe dọa hiện tại và tương lai…".
Tổng thống Mỹ Biden muốn AI mang lại thay đổi tốt đẹp
Trong ngày làm việc 17-11 tại sự kiện hội họp các nền kinh tế APEC, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cùng nỗ lực đảm bảo trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại những thay đổi tốt đẹp hơn, thay vì gây ảnh hưởng xấu hoặc giới hạn tiềm năng của người lao động.
Trí tuệ nhân tạo được xem là công nghệ then chốt, có thể định hình sự phát triển của nhân loại trong tương lai. Việc quản lý công nghệ này vì vậy trở thành chủ đề nóng tại nhiều quốc gia, cũng như trong sự phối hợp của nhiều nước. Tại San Francisco trong hai ngày họp APEC, Tổng thống Mỹ Biden cũng đã thảo luận ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về trí tuệ nhân tạo.
Úc mời thủ tướng Trung Quốc sang thăm
Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc giảm nhiệt, và Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm 17-11 cho biết ông đã mời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm trong thời gian tới.
Hồi đầu tháng này, ông Albanese đã thăm Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu bên lề sự kiện APEC, ông Albanese nói: "Mọi thứ rất tích cực. Chúng tôi đã thảo luận về chuyến đi của Thủ tướng Lý tới Úc năm sau, khi các cuộc gặp gần nhất đã được tái lập".
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng quan hệ song phương của hai nước đã trục trặc trong vài năm qua. Thủ tướng Úc cũng cho hay ông đã đề nghị Chủ tịch Tập xóa những hạn chế thương mại còn lại đối với sản phẩm Úc tại Trung Quốc.
Mỹ và Ukraine tổ chức hội nghị công nghiệp quân sự
Hôm 17-11, Mỹ và Ukraine cùng tuyên bố hai nước sẽ tổ chức một hội nghị về ngành công nghiệp quân sự tại Washington vào ngày 6 và 7-12 tới.
Ukraine đang tăng cường tự sản xuất vũ khí trong khi giao tranh với Nga tiếp diễn. Kiev buộc phải đẩy mạnh việc tự sản xuất này, giữa bối cảnh nhiều lo ngại rằng viện trợ vũ khí của phương Tây sẽ không đủ đáp ứng. Họ cũng hy vọng các nhà sản xuất vũ khí quốc tế sẽ hỗ trợ việc sản xuất tại Ukraine thông qua các thỏa thuận hợp tác liên danh.
Theo lời phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson, cuộc họp trên là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm tăng cường đáng kể năng lực sản xuất vũ khí, để hỗ trợ cuộc chiến vì tự do và an ninh của Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận