Mỹ phản đối về chiến dịch ném bom của Israel ở Beirut
Ngày 15-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington phản đối chiến dịch ném bom mà Israel đã thực hiện ở thủ đô Beirut của Lebanon trong những tuần qua, đồng thời bày tỏ mối quan ngại, nhất là về số dân thường thiệt mạng.
"Có những cuộc tấn công cụ thể mà Israel có thể thực hiện. Nhưng khi nói đến phạm vi và bản chất của chiến dịch ném bom mà chúng tôi thấy ở Beirut trong vài tuần qua, đó là điều mà chúng tôi đã nói rõ với Chính phủ Israel rằng Mỹ quan ngại và phản đối", ông Miller cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, bình luận của ông Miller thể hiện giọng điệu gay gắt hơn so với những gì Washington đã áp dụng cho đến nay đối với các hoạt động quân sự của Israel tại Lebanon.
Israel phản pháo Tổng thống Pháp
Ngày 15-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong đó, ông Netanyahu phản đối lệnh ngừng bắn đơn phương và cho biết ông "bàng hoàng" trước kế hoạch tổ chức một hội nghị về Lebanon của ông Macron.
"Một lời nhắc nhở tới Tổng thống Pháp: Không phải quyết định của Liên Hiệp Quốc đã thành lập Nhà nước Israel mà là chiến thắng đạt được trong chiến tranh giành độc lập", văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho biết trong một tuyên bố.
Điện Elysee không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trước đó, trong bài phát biểu cứng rắn tại phiên họp nội các Pháp định kỳ, ông Macron nói rằng ông Netanyahu không được quên Israel đã được thành lập nhờ quyết định của Liên Hiệp Quốc, nhắc nhở Israel không xem nhẹ quyết định của Liên Hiệp Quốc.
Ông Trump dẫn trước sít sao bà Harris tại bang Michigan
Theo kết quả thăm dò mới nhất của AARP công bố ngày 15-10 (giờ địa phương) được phóng viên TTXVN tại Washington trích dẫn, cựu tổng thống Donald Trump đang dẫn trước sít sao Phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc đối đầu trực tiếp tại bang chiến trường Michigan chỉ ba tuần trước ngày bầu cử.
Theo đó, cựu tổng thống Trump đã vượt qua đối thủ Đảng Dân chủ với tỉ lệ ủng hộ 49% so với 48%, trong khi 1% cử tri tham gia khảo sát cho biết sẽ có lựa chọn khác và 2% vẫn chưa quyết định.
Bầu cử Mỹ: Kỷ lục cử tri đi bỏ phiếu sớm ở bang chiến trường Georgia
Đài CNN dẫn lời các quan chức bầu cử địa phương cho biết bang Georgia đang phá kỷ lục về số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm trong ngày 15-10, với gần 188.000 phiếu bầu tính đến 14h ngày 15-10 (giờ miền đông nước Mỹ).
Cử tri Mỹ xếp hàng bỏ phiếu sớm ở bang chiến trường Georgia - Nguồn video: AFP
"Chúng tôi đang tiếp tục phá vỡ kỷ lục về lượt bỏ phiếu ngày đầu tiên. Đã có 187.973 phiếu được bỏ và chúng tôi dự kiến sẽ vượt qua con số 200.000 phiếu trực tiếp hôm nay. Xin chúc mừng các hạt và cử tri đã tham gia", quan chức Gabriel Sterling thông báo.
Vị này nói thêm: "Kỷ lục bỏ phiếu trong ngày đầu tiên là vào năm 2020 với 136.000 phiếu bầu. Chúng tôi sẽ vượt qua kỷ lục đó".
Hai tiểu bang chiến trường là Georgia và North Carolina đang bắt đầu bỏ phiếu trực tiếp sớm trong tuần này. Tại Georgia, cử tri có thể đến các điểm bỏ phiếu từ ngày 15-10 và tại North Carolina từ ngày 17-10 (giờ Mỹ).
Triều Tiên: 1,4 triệu thanh niên đã nhập ngũ trong tuần này
Hãng tin Reuters dẫn Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 16-10 cho biết khoảng 1,4 triệu thanh niên, bao gồm sinh viên và cán bộ đoàn thanh niên, đã gia nhập hoặc quay trở lại quân đội trong tuần này.
Những người trẻ này quyết tâm chiến đấu trong một "cuộc chiến tranh thiêng liêng tiêu diệt kẻ thù với vũ khí của cách mạng", KCNA nêu.
Tuyên bố đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên xoay quanh cáo buộc của Bình Nhưỡng về việc Seoul điều drone vào Bình Nhưỡng rải truyền đơn.
Hôm 15-10, Triều Tiên đã cho nổ tung các đoạn đường bộ và đường sắt liên Triều ở phía Triều Tiên và quân đội Hàn Quốc đã nổ súng cảnh báo.
"Nếu chiến tranh nổ ra, ROK (Hàn Quốc) sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ. Vì họ muốn chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng chấm dứt sự tồn tại của họ", KCNA cho biết.
EU bắt đầu tiến trình đàm phán kết nạp Albania
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Đông Âu, Liên minh châu Âu ngày 15-10 đã mở chương đầu tiên của các cuộc đàm phán gia nhập với Albania, được mô tả là thời khắc "lịch sử" trong hành trình hướng tới tư cách thành viên EU của quốc gia này.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã công bố quyết định này tại cuộc họp báo chung sau hội nghị liên chính phủ lần thứ hai giữa EU và Albania. Ông Szijjarto cho biết việc đẩy nhanh quá trình mở rộng EU với các nước Tây Balkan là ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Hungary.
Ngoại trưởng Szijjarto nhấn mạnh nhu cầu về năng lượng và động lực mới của EU mà các nước Tây Balkan, bao gồm Albania, đang sẵn sàng cung cấp. Ngoại trưởng Hungary nói: "Chúng ta phải thực hiện các bước khẩn cấp để bảo vệ uy tín của chính sách mở rộng... Việc đẩy nhanh quá trình mở rộng của EU vào Tây Balkan là vì lợi ích của châu Âu".
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng khối, ông Oliver Varhelyi gọi đây là một cột mốc trong quan hệ EU - Albania. Ông tái khẳng định cam kết của EU trong việc hỗ trợ quá trình hội nhập của Tây Balkan, nhấn mạnh việc thông qua gói tài chính trị giá 6 tỉ euro nhằm tạo điều kiện cho những cải cách cần thiết.
Về phần mình, Thủ tướng Albania Edi Rama tái khẳng định cam kết của nước này trong việc trở thành thành viên EU, nói rằng "không có tương lai và con đường nào khác" cho Albania ngoài việc gia nhập EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận