Ông Trump âm thầm điện đàm với ông Putin
Ngày 10-11 (giờ địa phương), báo Washington Post tiết lộ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã âm thầm điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình chiến sự tại Ukraine hôm 7-11.
Ông Trump điện cho ông Putin bàn chuyện Ukraine
Cuộc điện đàm diễn ra vỏn vẹn một ngày sau khi cục diện cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 ngã ngũ với phần thắng nghiêng về phía ông Trump.
Tại cuộc điện đàm, ông chủ tương lai của Nhà Trắng đã khuyên ông chủ Điện Kremlin không nên leo thang cuộc chiến tại Ukraine, đồng thời nhắc nhở tổng thống Nga về "sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Washington tại châu Âu".
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về mục tiêu hòa bình tại lục địa già. Trong đó ông Trump bày tỏ mong muốn sẽ sớm có những đối thoại tiếp theo để bàn về "giải pháp cho cuộc chiến tại Ukraine".
Phát biểu trên Đài NBC hôm 7-11, ông Trump cho biết đã điện đàm với khoảng 70 nhà lãnh đạo thế giới sau khi tin tức về việc ông đắc cử được xác nhận, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Điều này phần nào cho thấy ông Trump thật sự nghiêm túc với tuyên bố sẽ bắt đầu giải quyết một số vấn đề trên nghị trường quốc tế từ trước cả khi nhậm chức tổng thống.
Washington Post khẳng định đội ngũ của ông Trump đã báo trước cho Kiev về việc ông sắp sửa điện đàm với ông Putin và phía Ukraine không có phản đối động thái này.
Tuy nhiên, ngay sau khi bài viết của Washington Post được đăng tải, Bộ Ngoại giao Ukraine lại khẳng định không hề biết gì.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi chia sẻ với Hãng tin Reuters: "Thông tin rằng phía Ukraine đã được báo trước về cuộc điện đàm là không đúng. Do đó, Ukraine đã không thể ủng hộ hay phản đối cuộc gọi trên".
Điện Kremlin dành nhiều lời khen có cánh cho ông Trump
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia Rossiya ngày 10-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ là một điều rất tốt.
Ông Peskov tuyên bố: "Những tín hiệu hiện rất khả quan. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nói về việc ông xem mọi việc như những 'thương vụ' và ông ấy có thể tìm ra cách tạo một 'thương vụ' có thể dẫn đến hòa bình.
Ít nhất thì ông ấy cũng nói về hòa bình, thay vì đối đầu. Ông ấy không thể hiện mong muốn ép Nga nhận thất bại chiến lược. Đó là điều khiến ông ấy khác với chính quyền Mỹ hiện tại (dưới thời Tổng thống Joe Biden)".
Ngoài ra, ông Peskov cũng cảnh báo về sự khó đoán của ông Trump, nhấn mạnh chỉ có thời gian mới chứng minh được liệu ông có nghiêm túc với lời hứa kết thúc cuộc chiến tại Ukraine hay không.
"Khó có thể nói trước những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Ông Trump khó đoán hơn và mức độ ông Trump sẽ làm đúng những gì mình cam kết trong thời gian tranh cử còn khó dự đoán hơn. Hãy cùng đợi và xem điều gì sẽ diễn ra".
Nga - Ukraine cùng không kích mạnh mẽ nhất lịch sử cuộc chiến
Ngày 10-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trên mạng xã hội: "Tối qua, Nga đã phóng kỷ lục 145 máy bay không người lái (drone) Shahed và những loại drone tấn công khác về phía Ukraine".
Đây là đợt tấn công bằng drone trong đêm lớn nhất mà Nga tiến hành về phía lãnh thổ Ukraine từ khi cuộc chiến giữa hai nước bùng nổ hồi tháng 2-2022.
Ở chiều ngược lại, Nga cũng khẳng định đã hạ 34 drone tấn công của Ukraine nhắm về phía thủ đô Matxcơva. Đây cũng là cuộc tấn công bằng drone lớn nhất của Ukraine nhắm vào đầu não Nga trong gần ba năm chiến tranh.
Hiện phía Nga chưa phản hồi những thông tin được Ukraine tuyên bố. Trong bài phát biểu thường nhật tối 10-11, ông Zelensky đã "bóng gió" về cuộc tấn công quy mô lớn vào thủ đô Nga vừa diễn ra.
Tổng thống Ukraine cảm ơn những đơn vị tham gia vào quá trình tác chiến drone, đồng thời khẳng định: "Mọi người có thể thấy mọi thứ đang diễn ra như thế nào. Drone hoạt động trên chiến trường, cùng lúc drone tầm xa của chúng tôi đánh sâu vào hậu phương Nga. Các mục tiêu quân sự của Nga đang ngày càng dễ bị binh sĩ của chúng tôi tấn công hơn".
Thủ tướng Đức sẵn sàng bầu cử sớm, liệu có bước vào vết xe đổ Anh, Pháp, Nhật?
Ngày 10-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sẵn sàng để quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, qua đó tạo điều kiện để nước này tổ chức bầu cử bất thường trong tháng 1-2025.
Thời gian biểu này sớm hơn vài tuần so với lịch trình từng được ông Scholz công bố. Trước đó, thủ tướng Đức đề xuất cho bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ vào ngày 15-1-2025 để tổ chức bầu cử vào cuối tháng 3, sớm hơn 6 tháng so với lịch trình bầu cử thông thường.
Tuy nhiên việc kéo dài việc bầu cử đến tận cuối tháng 3 đã bị đảng đối lập phản đối. Lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz khẳng định muốn bầu cử ngay trong tháng 1. Trước yêu cầu trên, ông Scholz khẳng định: "Tôi không có vấn đề gì với việc yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm trước Giáng sinh".
Theo thủ tướng Đức, thời điểm bỏ phiếu tín nhiệm sẽ phụ thuộc vào thương lượng giữa ông Rolf Muetzenich - lãnh đạo Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Scholz tại quốc hội - và ông Merz.
Những động thái trên diễn ra ngay sau khi liên minh ba đảng cầm quyền do đảng SPD dẫn đầu tan rã hôm 6-11. Một trong những cốt lõi của sự tan rã này là bất đồng trong việc phân bổ ngân sách cho việc phát triển kinh tế và hỗ trợ Ukraine.
Điều này khiến chính trường Đức rơi vào hỗn loạn. Phía quốc hội nhanh chóng yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ càng sớm càng tốt. Chính phủ do ông Scholz đứng đầu gần như chắc chắn sẽ bị tín nhiệm thấp trong cuộc bỏ phiếu này.
Khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ phải giải tán quốc hội trong 21 ngày và tổ chức bầu cử trong 60 ngày sau đó.
Nếu những điều trên xảy ra, Đức sẽ nối gót Anh, Pháp và Nhật là những nước lớn phải tổ chức bầu cử sớm hơn dự định trong vài tháng qua.
Đảng cầm quyền của cả ba nước này đều đã chịu thất bại nghiêm trọng trong những cuộc bầu cử này. Đảng Bảo thủ Anh chấm dứt giai đoạn cầm quyền liên tục từ năm 2010, trong khi đảng trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị xếp hạng rất thấp trong quốc hội mới thành lập.
Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản cũng lần đầu tiên mất thế đa số trong quốc hội từ năm 2012. Ngay trong ngày 11-11, Quốc hội Nhật Bản sẽ họp để bầu ra chính phủ mới. Đảng LDP do Thủ tướng Ishiba Shigeru dẫn đầu dự kiến vẫn sẽ chiến thắng, nhưng phải chấp nhận làm chính phủ thiểu số.
Động đất 6,8 độ tại Cuba, chưa rõ thiệt hại
Ngày 10-11, một trận động đất với cường độ 6,8 độ đã làm rung lắc các tòa nhà tại thành phố Santiago de Cuba - đô thị lớn thứ hai nước này.
Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel tuyên bố trên X: "Đã có nhiều trận động đất, thiệt hại nhà cửa và đường điện. Chúng tôi đã bắt đầu đánh giá thiệt hại. Việc cần thiết và đầu tiên là phải cứu mạng sống".
Hiện chưa rõ thông tin về thiệt hại của trận động đất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận