Hơn 2.000 người chết trong động đất Morocco
Bộ Nội vụ Morocco cho biết trận động đất khuya 8-9 đã khiến hơn 2.012 người thiệt mạng và 2.059 người bị thương, trong đó có 1.404 người trong tình trạng nguy kịch.
Hơn 2.000 người chết trong động đất Morocco, cứu hộ đào bới bằng tay không
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ cho biết trận động đất có cường độ 6,8 độ, tâm chấn cách thành phố Marrakech khoảng 72km về phía tây nam.
Theo mô tả của Hãng tin Reuters, tại làng Amizmiz gần tâm chấn, các nhân viên cứu hộ đang bới đống đổ nát bằng tay không. Bên ngoài bệnh viện, khoảng 10 thi thể được phủ chăn trong khi người thân đau buồn đứng bên cạnh.
"Khi tôi cảm thấy mặt đất rung chuyển dưới chân, tôi vội vàng đưa các con ra ngoài. Nhưng hàng xóm của tôi không qua khỏi", anh Mohamed Azaw kể lại.
Gần như tất cả các ngôi nhà ở khu vực Asni, cách Marrakech khoảng 40km về phía Nam, đều bị hư hại. Thực phẩm đang thiếu hụt do nhà cửa sập chôn vùi tất cả.
Chấn động từ trận động đất ở Morocco có thể cảm nhận được từ xa như Huelva hay Jaen ở miền nam Tây Ban Nha. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có hơn 300.000 người bị ảnh hưởng ở Marrakech và các khu vực lân cận.
Tình hình nhà thám hiểm người Mỹ mắc kẹt 1.000 mét dưới hang động ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Mark Dickey (40 tuổi) đang thám hiểm hang Morca ở vùng núi Taurus, tỉnh Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ thì bất ngờ bị xuất huyết tiêu hóa ở độ sâu 1.040 mét.
Hơn 150 nhân viên cứu hộ từ nhiều quốc gia đã nỗ lực giải cứu ông Dickey ra khỏi hang động sâu thứ 3 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 9-9, quan chức địa phương xác nhận sẽ đưa được ông Dickey ra khỏi hang "trong vòng vài ngày" nữa.
Tình trạng của nhà thám hiểm người Mỹ ổn định, nhưng công tác cứu hộ có nhiều khó khăn. Hang sâu và lầy lội, khiến đội cứu hộ tốn rất nhiều dụng cụ.
Cảnh sát Hà Lan dùng vòi rồng giải tán hàng ngàn người biểu tình khí hậu
Các nhà hoạt động vì khí hậu biểu tình trên đường cao tốc ở Hà Lan ngày 9-9, nhằm yêu cầu chính phủ chấm dứt trợ cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Hơn 10.000 người đã tuần hành dọc theo đường cao tốc A12 dẫn vào thành phố The Hague, phớt lờ cảnh báo từ cảnh sát rằng không được chặn đường giao thông chính vào thành phố.
Cảnh sát tuyên bố đã bắt giữ 2.400 người biểu tình, bao gồm cả trẻ vị thành niên. Không có ghi nhận về thương tích.
Extinction Rebellion, nhóm phi chính phủ tổ chức sự kiện này, cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình cho đến khi Chính phủ Hà Lan ngừng dùng công quỹ để trợ cấp cho ngành dầu khí.
Nga bắn hạ 3 drone ở Crimea
Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 3 máy bay không người lái (drone) của Ukraine ở Crimea. Một chiếc ở phía tây bắc, chiếc còn lại ở phía tây bán đảo.
Thông tin do ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền địa phương do Nga bổ nhiệm, cho biết trên Telegram ngày 9-9.
Trong một diễn biến khác, Hãng tin TASS của Nga cho hay nước này đã ngăn chặn nỗ lực tấn công bằng drone của Ukraine, nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga vào tối cùng ngày.
Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại hay thương vong.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine kêu gọi các nước tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng
"Chúng tôi rất biết ơn vì những gì đã được cung cấp… Chúng tôi cần thêm vũ khí hạng nặng và cần ngay bây giờ", ông Rustem Umerov phát biểu ngày 9-9.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết việc các nước chậm cung cấp vũ khí đang cản trở cuộc phản công của Kiev.
Từ tháng 6 Ukraine đã phát động phản công giành lại lãnh thổ ở phía đông bắc và phía nam. Cuộc phản công kéo dài và gặp nhiều khó khăn.
Kiev ước tính Nga đã triển khai hơn 420.000 binh sĩ tại các khu vực ở phía đông và phía nam đất nước.
Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Ukraine, ông Vadym Skibitsky, cho biết con số này không bao gồm Lực lượng Vệ binh quốc gia Nga và các đơn vị đặc biệt khác để duy trì quyền kiểm soát trên lãnh thổ Ukraine.
Ông Skibitsky cũng cho hay Nga tích cực tiến hành các cuộc tấn công từ Crimea, nơi Matxcơva sáp nhập vào năm 2014.
Thủ tướng Nhật Kishida Fumio giải thích việc xả nước thải hạt nhân ra biển với lãnh đạo G20
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết ông Kishida đã giải thích việc xả nước thải hạt nhân ra biển với các lãnh đạo G20 đang tập trung tại New Delhi.
Hội nghị G20 năm nay diễn ra trong hai ngày 9 và 10-9 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
"Thủ tướng Kishida giải thích rằng dữ liệu đợt xả nước vào tháng trước đã được công bố nhanh chóng và minh bạch. Không có vấn đề gì phát sinh từ quan điểm khoa học", bà Ono Hikariko, thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết.
Tokyo đã khiếu nại về động thái của Trung Quốc trong việc cấm nhập thủy sản của Nhật lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời cam kết sẽ giải thích về độ an toàn của nước thải nhiễm phóng xạ tại các diễn đàn ngoại giao.
"Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và giải thích cho cộng đồng quốc tế dựa trên bằng chứng khoa học một cách thiện chí và minh bạch", bà Ono nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận