TP.HCM điều chỉnh giao thông quận 1 tổ chức Lễ hội Áo dài
Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo hạn chế xe cộ đi lại trên đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1) đảm bảo an toàn giao thông suốt thời gian tổ chức Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10-2024.
Cụ thể, người dân hạn chế ra vào đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng) và đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur).
Thời gian hạn chế như sau:
Ngày 8-3: Từ 6h đến 10h30 và từ 18h đến 21h30
Ngày 9-3: Từ 18h đến 21h30
Sở Giao thông vận tải TP.HCM lưu ý người đi đường chú ý theo hiệu lệnh của người điều tiết giao thông, hệ thống biển báo và thông báo trên đường.
Cần quản lý tốt hơn rác thải nhựa để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Tại hội thảo do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức, thống kê cho biết Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.
Điều đáng nói chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương.
Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.
Giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, trong các loại chất thải, chất thải rắn sinh hoạt khó quản lý và xử lý triệt để nhất do ý thức của đa số người dân còn chưa cao, hệ thống phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao, các khu vực phát triển công nghiệp nhanh, nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng nhanh trong những năm gần đây và nhiều nơi không thể tìm thêm được địa điểm chôn lấp mới, trong khi chưa có các công nghệ xử lý tiên tiến thay thế, người dân chưa thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Trao Giải Kovalevskaia năm 2023 cho hai nhà khoa học nữ xuất sắc
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 cho GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, trưởng khoa nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế và PGS.TS Đào Việt Hà, viện trưởng Viện Hải dương học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Chúc mừng, biểu dương GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa và PGS.TS Đào Việt Hà, Phó thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng các chị là những tấm gương nữ điển hình về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đại diện cho trí tuệ, khát vọng của Việt Nam.
Phó thủ tướng đồng thời chúc các chị tiếp tục hăng say nghiên cứu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo để chinh phục các đỉnh cao khoa học, tri thức mới; đào tạo, truyền cảm hứng về nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ.
Việt Nam tăng 11 bậc về bình đẳng giới
Theo thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020-2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt và vượt chỉ tiêu 15%.
Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Với nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, vai trò của phụ nữ trong xã hội được nâng cao, nhiều chị em giữ những chức vụ quan trọng, là quản lý cấp cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt sáng tạo, tiên phong và truyền bá tri thức; trong đó, đội ngũ nữ trí thức chiếm một phần không nhỏ, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 - 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỉ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận