Người dân mua điện thoại di động ở một cửa hàng tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 55,4 tỉ USD
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, có tám mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 55,4 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện của các thị trường chủ yếu đều đạt tốc độ tăng cao. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 13,2 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 4,4 tỉ USD, tăng 10,8%.
Giá trứng gà giảm, giá gà thịt hai miền chênh lệch lớn
Giá trứng gà đang dần hạ nhiệt sau thời gian tăng cao kỷ lục - Ảnh: N.TRÍ
Thông tin từ nhiều người nuôi, giá trứng gà công nghiệp bán ra tại chuồng hiện phổ biến từ 2.200 - 2.350 đồng/quả, giảm khoảng 150 đồng so với mức cao tháng trước đó và giảm 450 - 500 đồng so với mức cao kỷ lục hồi khoảng giữa năm nay.
Với giá bán hiện nay, người nuôi có lãi nhưng mức lãi không cao do giá thành chăn nuôi tăng mạnh. Thực tế, giá trứng gà công nghiệp đã giảm nhưng vẫn đang còn cao hơn 500 - 600 đồng/quả so với thời điểm giá ổn định các năm trước.
Trong khi đó, giá gà thịt bán ra tại chuồng đang có sự chênh lệch lớn giữa hai miền. Cụ thể, giá gà công nghiệp (lông trắng) ở miền Bắc phổ biến 21.500 - 24.000 đồng/kg, ở miền Nam 34.000 - 35.000 đồng/kg. Ngược lại, giá gà thả vườn ở miền Bắc hiện 53.000 - 54.000 đồng/kg, trong khi miền Nam là 45.000 - 46.000 đồng/kg.
Theo nhiều doanh nghiệp, giá gà chênh lệch chủ yếu do chịu ảnh hưởng thời tiết nên năng suất và giá thành chăn nuôi nhiều thời điểm có sự khác nhau giữa hai miền và giữa các chủng loại gà, dẫn đến giá bán khác.
Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm Tết
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố - Ảnh: CHINHPHU.VN
Theo kế hoạch ban hành ngày 5-12 của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, từ ngày 15-12-2022 đến hết 12-3-2023 sẽ thành lập sáu đoàn kiểm tra liên ngành trung ương, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh/thành trọng điểm trên cả nước. Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp từ tỉnh tới xã.
Triển lãm quốc tế công nghệ chế biến thực phẩm
Triển lãm quốc tế công nghệ chế biến thực phẩm Việt Nam (VIETNAM FOODTECH) diễn ra từ ngày 7 đến 10-12-2022 tại Trung tâm Triển lãm và hội nghị Sài Gòn (Q.7, TP.HCM) với quy mô dự kiến khoảng 500 gian hàng, trưng bày đa dạng các ngành hàng như thực phẩm, thủy hải sản, đồ uống, trà và cà phê, thực phẩm dinh dưỡng, nguyên liệu sản xuất và chế biến; trưng bày và giới thiệu những thiết bị công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chế biến, bao bì đóng gói, nhãn mác thực phẩm và đồ uống.
Xử lý nghiêm người dỡ dải phân cách trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Xe cộ lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa đề nghị UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm, sử dụng hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ và kết cấu hạ tầng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương trái quy định. Đặc biệt là các bãi tập kết xe tải tự phát dọc hai bên tuyến đường dẫn có xe tải ra vào gây hư hỏng mặt đường, người dân tự ý phá dỡ dải phân cách gây mất an toàn giao thông...
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 62km, gồm bốn làn xe và hai làn khẩn cấp, được đưa vào khai thác từ năm 2010. Từ khi cao tốc dừng thu phí vào năm 2019, lượng xe tăng đột biến dẫn đến mặt đường hư hỏng, va chạm thường xảy ra.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc này lên tám làn xe và hai làn khẩn cấp.
TP.HCM họp về ứng dụng công nghệ xử lý "xe dù bến cóc"
Xe đón khách trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM chiều 29-11 - Ảnh: T.T.D.
Tuần này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ nghe báo cáo kết quả thí điểm ứng dụng công nghệ trong xử phạt vi phạm dừng đón trả khách không đúng nơi quy định (xe dù bến cóc) và thí điểm thu thập dữ liệu phục vụ điều khiển giao thông thông minh.
Theo sở này, do lực lượng mỏng nên không thể dàn trải tất cả các tuyến đường để phát hiện, xử lý vi phạm. Do đó ứng dụng công nghệ để xử phạt nguội đang hỗ trợ các lực lượng rất nhiều.
Tính từ tháng 6-2020 đến nay, thông qua các hệ thống ghi hình camera, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) đã trích xuất 73.256 trường hợp vi phạm giao thông, xử phạt được 19.902 trường hợp với số tiền xử phạt trên 33 tỉ đồng.
Ca mắc COVID-19 mới lại tăng gấp đôi
Bộ Y tế cho biết trong ngày 5-12, cả nước ghi nhận 427 ca mắc COVID-19 mới, tăng gấp đôi so với ngày trước đó. Hiện cả nước còn 51 bệnh nhân nặng, trong đó 11 ca phải thở máy xâm lấn; không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.518.149 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, có 10.608.988 bệnh nhân được điều trị khỏi, 43.177 trường hợp tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận