Hơn 9 triệu ý kiến góp ý dự thảo Luật đất đai
Ngày 29-3, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tập trung vào nhiều nội dung như cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Từ kết quả tổng hợp, có thể thấy phần lớn các ý kiến quan tâm đến 12 nhóm vấn đề chính: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay việc bỏ khung giá đất nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân với hy vọng giá đất sẽ dần tiến đến phù hợp với thị trường. Việc xây dựng bảng giá đất hằng năm cũng được nhiều ý kiến tán thành. Tuy nhiên một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc về chu kỳ ban hành bảng giá đất 5 năm để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tránh gây áp lực lên hệ thống cơ quan nhà nước.
Quý 1-2023, 57.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, cả nước có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% và tăng 46,2%. Có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% và tăng 39,3%.
Có 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% và tăng 39,5%. Ngoài ra có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%.
Tính chung trong quý 1-2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu chậm ban hành văn bản gỡ vướng mắc thiếu thuốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế.
Công điện nêu rõ, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về việc phải đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, làm ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh của người dân.
Trên cơ sở nghị quyết 30 về tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, thể chế hóa nghị quyết 30.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành trước 10-4. Chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan ban hành các văn bản cần thiết khác thuộc thẩm quyền. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng nếu xảy ra việc chậm trễ ban hành các văn bản trên.
100% sàn thương mại điện tử lớn phải ký cam kết không kinh doanh hàng giả
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định 319 phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Mục tiêu đề án là hoàn thiện chính sách về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử.
Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
100% sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.
Giải pháp thực hiện đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng gồm sàn giao dịch, hệ thống thông tin, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử... và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận