WHO và UNICEF cảnh báo về tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ em
Theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiết lộ nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức sai lệch ở Việt Nam.
UNICEF khẳng định những tuyên bố gây hiểu lầm khi tiếp thị sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cả trên thế giới và ở Việt Nam, đang làm suy yếu những nỗ lực trong việc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ.
Việc tiếp thị sữa bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như: có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc phát triển trí não của trẻ, làm trầm trọng thêm những thách thức mà các bậc cha mẹ phải đối mặt, gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.
7 tháng đầu năm 12 người chết do ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 7 tháng năm 2023 cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 ca mắc, trong đó có 12 người tử vong. Tính riêng tháng 7, cả nước xảy ra 9 vụ với 89 người mắc, 1 người tử vong. Điều đáng nói trong số những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua, có cả những vụ ngộ độc đến từ chính căn bếp trong gia đình.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn gia đình, các chuyên gia khuyến cáo: chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng; ăn chín uống chín; không dùng thức ăn ôi thiu; chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn...
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, sử dụng các loại nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, trứng cóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ… để làm thức ăn. Không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.
Doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 24 tỉ USD
Tính từ đầu năm đến ngày 15-7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 236 tỉ USD, giảm 14,8% (tương ứng giảm 41,19 tỉ USD) so với cùng kỳ 2022.
Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt hơn 130 tỉ USD, giảm 11,3%, tương ứng giảm 16,67 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tính đến ngày 15-7, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt hơn 106 tỉ USD, giảm 18,71% (tương ứng giảm 24,52 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15-7 các doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 24 tỉ USD.
32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn
Bộ Tài chính cho biết tổng kế hoạch vốn năm 2023 là trên 808.170 tỉ đồng, bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài các năm trước chuyển sang.
Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 6-2023 là trên 223.972 tỉ đồng, đạt 27,27% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 7-2023 là trên 284.238 tỉ đồng, đạt 35,17% kế hoạch.
12 bộ và 39 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên tỉ lệ trung bình của cả nước (35%). Một số bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (58,29%), Tiền Giang (56,30%), Long An (54,29%), Ngân hàng Phát triển (100%), Ngân hàng Nhà nước (63,38%), Ngân hàng Chính sách xã hội (62,75%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (47,14%).
Nhưng vẫn còn 40 bộ và 24 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới tỉ lệ trung bình của cả nước. Trong đó 32 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chỉ giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn.
Mật độ bác sĩ và giường bệnh trên số dân còn quá thấp
Trong đó, mật độ giường bệnh trên dân số của nước ta hiện phân bố không đồng đều ở các vùng. Theo Bộ Y tế, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra trong nghị quyết 20-NQ/TW là 30 giường bệnh/1 vạn dân năm 2025 và 32 giường bệnh/1 vạn dân đến năm 2030.
Cụ thể, vùng Tây Nguyên mới đạt 21,8 giường bệnh, Đồng bằng sông Cửu Long là 24,3 giường bệnh. Số giường bệnh cho nhu cầu sử dụng trong tương lai là một trong các tiêu chí để xem xét việc quyết định đầu tư mở rộng và đầu tư mới cơ sở y tế.
Tương tự, mật độ bác sĩ trên dân số ở một số vùng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 10 bác sĩ/vạn dân năm 2025 và 11 bác sĩ/vạn dân năm 2030. Số bác sĩ trên dân số trung bình của cả nước năm 2020 là 9,8 bác sĩ. Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên mới chỉ đạt 7,2 bác sĩ, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ 7,6 bác sĩ.
Riêng vùng Đông Nam Bộ có mật độ bác sĩ khá cao là 10,6. Điều này do có nhiều bệnh viện tuyến trung ương đóng tại TP.HCM. Nhưng tính từng tỉnh trong vùng thì thấy mật độ bác sĩ/10.000 dân ở 5 tỉnh còn lại rất thấp: Tây Ninh 4,3 bác sĩ, Bình Phước 3,6 bác sĩ, Bình Dương 5,8 bác sĩ, Bà Rịa - Vũng Tàu 5,9, Đồng Nai 7,5 bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận