Ngân hàng "áp đảo" trong cuộc đua phát hành trái phiếu
Trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán VPBank (VPBanks) cho biết trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận phục hồi mạnh từ nhóm tổ chức tín dụng.
Cụ thể, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong quý 2-2024, đạt gần 120.000 tỉ đồng, tăng trưởng 6 lần so với quý trước và gấp 2 so với cùng kỳ.
Tuy tháng 7-2024 có ghi nhận giá trị phát hành suy giảm nhẹ so với tháng trước nhưng đã phục hồi trở lại vào tháng 8-2024 và vẫn đạt mức cao vượt trội so với 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, hầu hết là trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Việc phát hành trong 3 tháng gần nhất có thể được lý giải phần nào các tổ chức tín dụng đang tích cực huy động nguồn vốn trung dài hạn để cân bằng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Chuyên gia VPBanks cũng cho rằng nhu cầu phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn còn lại của năm khi nhu cầu tín dụng tiếp tục phục hồi.
Xiết nợ, ngân hàng rao bán lô đất 520 tỉ đồng ở Bắc Ninh
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank vừa thông báo đấu giá lô đất có tổng diện tích 101.910m2 thuộc thửa đất số 161, tờ bản đồ số 14, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Trong số đó có 90.896m2 là đất Nhà nước cho thuê trả tiền một lần được cấp cho Công ty CP Công nghiệp Quảng An I ngày 30-7-2017. Thời hạn sử dụng đất đến tháng 1-2052.
Số còn lại là đất Nhà nước cho thuê trả tiền hằng năm. Công trình xây dựng trên đất là văn phòng, xưởng sản xuất, kho hàng.
Giá khởi điểm cho lô đất nêu trên hơn 521 tỉ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá vào ngày 3-10 tới. Người tham gia đấu giá cần đặt cọc trước 100 tỉ đồng.
Phía ban tổ chức đấu giá cũng lưu ý, người đăng ký tham gia đấu giá phải tự tìm hiểu và xem xét các khoản nợ thuế mà Công ty CP Quảng An I vẫn còn nợ. Trường hợp người sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đã thế chấp tài sản gắn liền với đất thì Nhà nước thu hồi đất của bên thế chấp để cho người mua tài sản.
Được biết, Công ty CP Công nghiệp Quảng An I thành lập từ năm 2003 do ông Lưu Văn Toàn làm người đại diện theo pháp luật.
Từ ngày 7-10, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa tại Hà Nội là 50m²
Từ ngày 7-10, thành phố Hà Nội áp dụng quy định mới về điều kiện tách, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất. Theo đó, việc tách thửa đối với thửa đất phải đảm bảo theo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại điều 220 Luật Đất đai. Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau:
Đối với các phường và thị trấn chiều dài so với chỉ giới đường đỏ từ 4m trở lên, chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa từ 4m trở lên, phần diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m², tăng thêm 20m² so với quy định trước đó.
Tại các xã vùng đồng bằng, diện tích sau tách phải không nhỏ hơn 80m², ở vùng trung du là 100m², vùng miền núi là 150m².
Đất thương mại, dịch vụ tại phường, thị trấn phải có chiều dài và chiều rộng tối thiểu từ 4m và 10m trở lên, với diện tích ít nhất là 400m². Tại các xã, diện tích tối thiểu là 800m² cho đất thương mại, dịch vụ.
Đối với đất phi nông nghiệp, việc tách thửa phải tuân thủ các điều kiện khắt khe. Đất phi nông nghiệp không thuộc nhóm thương mại, dịch vụ cần diện tích tối thiểu 1.000m² tại phường, thị trấn và 2.000m² tại các xã.
Riêng đất nông nghiệp, thửa đất trồng cây hằng năm tại phường, thị trấn cần diện tích tối thiểu 300m², cây lâu năm 500m² và rừng sản xuất 5.000m². Tại các xã, diện tích tương ứng là 500m², 1.000m² và 5.000m².
UBND TP Hà Nội cho biết quy định này giúp bảo đảm quy mô canh tác hợp lý, tránh việc chia nhỏ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Nếu người sử dụng đất muốn dành một phần để làm lối đi, thửa đất phải bảo đảm lối đi có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên tại phường, thị trấn và từ 4m trở lên tại các xã. Sau khi tách, thửa đất vẫn phải đáp ứng điều kiện về loại đất quy định trong Luật Đất đai.
6 hành vi bị cấm trong công tác xã hội
Trong tháng 10-2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định về hành nghề công tác xã hội; Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở; Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, nghị định 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-10-2024 quy định rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội, cụ thể:
- Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
- Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
- Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận