Quảng Bình sẵn sàng di dời hàng chục ngàn hộ dân tránh bão
Ứng phó với bão Trà Mi (bão số 6) đang tiến gần đất liền, tỉnh Quảng Bình sẵn sàng phương án di dời 29.000 hộ dân; đồng thời lên phương án di dời hơn 18.900 hộ dân khi lũ trên báo động 3 và 856 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 167 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở núi, khu dân cư và sạt lở bờ sông, biển. Trong đó 10 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm. Tỉnh đã huy động 100% lực lượng xung kích phòng chống thiên tai với gần 12.400 người ở 151 xã, phường, thị trấn để ứng phó với bão Trà Mi.
Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, cho biết tỉnh đã lập danh sách các tổ, đội ứng cứu nhanh tại các thôn với 10 - 12 thành viên. Các địa phương cũng chủ động thông báo thông tin, số điện thoại của tổ xung kích.
Bộ Chỉ huy quân sự đã báo động, kiểm tra công tác phòng chống lụt bão. Các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn; đồng thời điều động phương tiện, vật tư như: áo phao, lương thực, thực phẩm, nước uống...
Bộ đội biên phòng huy động hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia trực và sẵn sàng cơ động ứng phó với bão Trà Mi; bố trí cán bộ, chiến sĩ trực tại các địa bàn trọng điểm miền núi, ven biển vùng xung yếu. Các đồn biên phòng cơ động ứng phó với mọi tình huống, hỗ trợ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Chiều 26-10, Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) cũng thông báo tạm dừng khai thác từ 6h đến 19h ngày 27-10; hủy 3 chuyến bay (1 chuyến Hà Nội, 2 chuyến TP.HCM) trong ngày 27-10 và đổi giờ chuyến bay đi TP.HCM từ 18h sang 22h35 cùng ngày.
Sáng nay, trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên năm tỉnh Tây Nguyên
Hôm nay 27-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum trao học bổng Tiếp sức đến trường 2024 cho 90 tân sinh viên khó khăn của năm tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Chương trình gồm Lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường và giao lưu nghệ thuật "Ươm mầm xanh cao nguyên" diễn ra tại hội trường Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng, được Đài PT-TH Lâm Đồng truyền hình trực tiếp, tiếp sóng trên các Đài PT-TH Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) từ 9h30.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Công ty phân bón Việt Nhật và Công ty Dai-ichi Life Việt Nam tài trợ.
Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).
Khẩn trương tìm kiếm hai du khách bị mất tích tại huyện đảo Phú Quý
Tối 26-10, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý (Bình Thuận) có báo cáo nhanh vụ việc khách du lịch tắm biển bị mất tích.
Theo đó, lúc 18h30 ngày 26-10, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý tiếp nhận tin báo của ông Nguyễn Khánh Linh (trú tại thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý) là chủ villa Windy trên địa bàn về việc ngày 22-10, có nhóm khách sáu người ra đảo Phú Quý tham quan du lịch và đăng ký lưu trú tại homestay Màu Của Nắng Phú Quý.
Đến 12h ngày 26-10, nhóm khách trên đã trả phòng và đến đăng ký lưu trú tại villa Windy (thôn Quý Hải, Long Hải, Phú Quý). Khoảng 16h45 cùng ngày, nhóm khách này tự lấy 2 sup, 1 áo phao để trước villa đi bơi và chèo sup cách bờ khoảng 200m. Đây là khu vực biển không được phép hoạt động sup.
Đến 18h10 cùng ngày, các du khách trên khi đang tắm biển thì bị gió lớn và dòng nước chảy kéo ra xa bờ nên đã gọi cho chủ villa nhờ hỗ trợ, dùng xuồng đưa vào bờ được ba du khách; còn ba du khách tiếp tục trôi trên biển, xuồng quay lại cứu hộ nhưng không tìm thấy.
Đến 19h, một du khách là ông Ngô Xuân Hùng đã tự bơi được vào bờ trước khu vực nghĩa địa xã Long Hải, cách vị trí bị nạn khoảng 1km. Hiện tại sức khỏe của bốn du khách bình thường; hai du khách còn mất tích.
Hai du khách bị mất tích được xác định là Cấn Hoàng Minh (nam, sinh năm 2005) và Nguyễn Ngọc Kim Thi (nữ, sinh năm 2005), đều trú tại tỉnh Lâm Đồng.
Lúc 20h ngày 26-10, Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý đã điều động 2 xuồng, 1 ca nô, 1 tàu cá cùng 12 ngư dân tham gia mở rộng khu vực tìm kiếm. Thời tiết tại khu vực xã Long Hải có gió đông bắc mạnh cấp 5, cấp 6; sóng cao từ 1,5 - 2m. Các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm người mất tích.
Cà Mau tăng cường phối hợp quản lý, kiểm soát tàu cá '3 không'
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá, đặc biệt tàu cá thuộc diện "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Qua rà soát, tỉnh còn 274 tàu cá thuộc diện "3 không", 65 tàu cá đã sang bán nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên.
Phần lớn các tàu cá "3 không" làm nghề ngư cụ cấm khai thác thủy sản, không theo định hướng quản lý nghề cá của tỉnh. Việc sang bán tàu cá không khai báo, không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền… dẫn đến công tác quản lý, điều tra, xác minh đối với các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên các tàu cá này đã được ngành chức năng lập hồ sơ số hóa để theo dõi chặt chẽ theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) theo đúng tiến độ đề ra; trong đó nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tàu cá "3 không", khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất có thể.
Ông Phan Hoàng Vũ, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh hiện có hơn 4.330 tàu cá hoạt động khai thác hải sản; trong đó 1.551 tàu cá có chiều dài trên 15m. Do số lượng tàu cá lớn nên công tác quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá được địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, giải pháp linh hoạt.
Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát tàu cá thông qua phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá và ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets. Qua đó, cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển và tàu cá nằm bờ. Đây là giải pháp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng tàu cá vi phạm chống khai thác IUU, cũng như vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh triển khai các đề án, dự án nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; trong đó quan tâm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi, môi trường sinh thái, các dự án thuộc khu bảo tồn biển của tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận