Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng đầu năm, xuất khẩu chè của Việt Nam gần 12.000 tấn, trị giá hơn 21 triệu USD. Kết quả này tăng khoảng 85% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, Pakistan tiếp tục là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, hơn 4.500 tấn, gần 9,2 triệu USD. Đứng thứ hai là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), thứ ba là thị trường Mỹ, tiếp đến là thị trường Ba Lan.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), nhìn chung giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè sang phần lớn thị trường dao động quanh mức 1.300 - 1.600 USD/tấn.
"Tuy nhiên Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác. Năm 2024 hy vọng có nhiều doanh nghiệp sản xuất chè theo hướng công nghệ cao, tham gia xúc tiến thương mại… sẽ mở rộng nhiều thị trường và tăng kim ngạch", hiệp hội này nói.
Lãi suất giảm mạnh nhưng cho vay mua nhà vẫn ì ạch
Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, SSI Research dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực năm 2024 với mức tăng 14%. Năm nay, bối cảnh kinh tế vĩ mô dự kiến cải thiện hơn. Điều này được hỗ trợ một phần bởi lãi suất cho vay giảm, đồng thời dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp.
Trong khi đó mảng cho vay mua nhà không nhiều khả quan. Cụ thể theo SSI Research, dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% năm 2023, dư nợ cho vay mua nhà vẫn sẽ khó hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.
Một số lý do chính được đưa ra, như giá nhà ở TP Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023; số lượng căn chung cư và thấp tầng mở bán trong năm 2024 dự kiến lần lượt là 33.851 căn và 5.030 căn, tăng gấp đôi so với năm 2023, nhưng vẫn thấp so với mức trước COVID-19 (khoảng 77.000 căn và 6.800 căn).
"Và quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành", chuyên gia SSI Research cho hay.
Đơn vị nghiên cứu cũng cho rằng các ngân hàng sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa.
Bổ sung 2 khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất từ ngày 1-1-2025
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo đó, bổ sung thêm 2 khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất:
- Hỗ trợ di dời vật nuôi;
- Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời đối với tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn.
Các khoản hỗ trợ còn lại tiếp tục được thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
- Hỗ trợ ổn định đời sống;
- Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh;
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm;
- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư nhưng tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu.
Ngoài các khoản hỗ trợ trên, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh có thể quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể.
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, riêng điều 190 và điều 248 có hiệu lực từ ngày 1-4-2024.
Những đối tượng được tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên khi tuyển sinh lớp 10
Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, 4 nhóm đối tượng được tuyển thẳng vào THPT gồm: học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyết tật; học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.
3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên tuyển sinh lớp 10 gồm:
Nhóm 1: Con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; con của người được cấp "giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên".
Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Nhóm 2: Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp "giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%".
Nhóm 3: Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn thuốc
Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn, chỉ định trong khám bệnh, điều trị cho người bệnh.
Trong đó nhấn mạnh chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh.
Nghiêm cấm kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh; kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi...
Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đúng quy định kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các đơn vị rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy "hoa hồng", gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận