Mở đợt cao điểm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10-2023, kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo "thẻ vàng".
Vì vậy, để sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng", phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, Phó thủ tướng yêu cầu bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mang tính chiến lược, dài hạn, cần tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến ngày 30-4-2024.
Yêu cầu tập trung cao điểm, huy động nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ "thẻ vàng" của cả nước.
Kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp với Bộ Ngoại giao đấu tranh với các nước bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân Việt Nam, thực hiện tốt công tác ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên có liên quan đối với nỗ lực chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Việt Nam.
Gỡ vướng đăng kiểm phương tiện thủy có gắn máy hút cát, sỏi
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện đăng kiểm các phương tiện thủy có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp cần thiết tăng cường quản lý, giám sát phương tiện thủy có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi phục vụ thi công nạo vét luồng, khai thác cát, sỏi, thì rà soát quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh cát, sỏi; tăng cường công tác tuần tra, giám sát, tập trung vào các địa bàn giáp ranh, nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát, sỏi.
Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ, đảm bảo các phương tiện thủy có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi chỉ được phép hoạt động trong phạm vi dự án, mỏ cát đã cấp phép.
Chia sẻ thông tin, dữ liệu về các dự án, mỏ cát được cấp phép khai thác, nạo vét cát, sỏi trên đường thủy; các phương tiện thủy có gắn máy móc, thiết bị hút cát, sỏi cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trong đó có Bộ Công an.
Việt Nam chi 7,8 tỉ USD nhập khẩu xăng dầu trong 11 tháng
Tin tức thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 11-2023 giảm 19,7% về lượng và giảm 25,3% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt hơn 607.000 tấn, trị giá hơn 510 triệu USD.
Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 9.398.258 tấn, trị giá 7,8 tỉ USD, tăng 18,3% về lượng và giảm 3,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, lượng dầu diesel nhập khẩu đạt 5,14 triệu tấn, tăng 19,3%, chiếm 55% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước.
Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc trong 11 tháng đầu năm 2023, chiếm hơn 38-39% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt hơn 3,6 triệu tấn, trị giá 3,04 tỉ USD.
Tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 21% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2023, đạt hơn 2 triệu tấn, trị giá 1,70 tỉ USD.
Vị trí thứ 3 là thị trường Malaysia, 11 tháng năm 2023 chiếm hơn 18-19% tỉ trọng trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 38,7% về lượng và tăng 23,7% về kim ngạch, đạt hơn 1,8 triệu tấn, trị giá 1,49 tỉ USD.
Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chưa đến 60 triệu tấn
Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ của các loại vật liệu xây dựng trong năm 2023 đồng loạt sụt giảm so với năm 2022.
Đối với xi măng, Bộ Xây dựng ghi nhận sản lượng sản xuất năm 2023 dự kiến 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022, lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6% so với năm 2022.
Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022), xuất khẩu xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn (tăng khoảng 2% so với năm 2022), giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỉ USD.
Đối với gạch ốp lát, sản lượng sản xuất đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m², giảm 25% so với năm 2022.
Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm.
Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu m2.
Sản xuất và tiêu thụ vôi chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% so với năm 2022; sản lượng sản xuất đá ốp lát đạt khoảng 12 triệu m2, tấm lợp fibro xi măng đạt khoảng 24 triệu m2, giảm khoảng 8% so với năm 2022.
Bộ Xây dựng lý giải, trong năm 2023, nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.
Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận