Cán bộ, công chức, người hoạt động chuyên trách tại nhiều xã, phường của TP.HCM đang quá tải công việc. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM được nhận thu nhập tăng thêm
Theo nghị quyết 76 sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện theo nghị quyết số 54/2017.
Chính phủ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết thay thế nghị quyết 54/2017 trong thời gian sớm nhất.
Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TP.HCM được tiếp tục thực hiện theo nghị quyết 54/2017 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành trung ương về cải cách tiền lương.
Trước đó, nghị quyết 54/2017 đã quy định chính sách chi trả thu nhập tăng thêm cho TP.HCM. HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức tại cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc.
Khoản thu nhập này ngoài thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP.HCM cũng do HĐND xem xét quyết định.
11 tháng năm 2022, giải ngân dự án ODA giao thông đạt 68,2% kế hoạch vốn giao
Tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết năm 2022, các dự án ODA trong lĩnh vực giao thông được giao kế hoạch vốn 5.440 tỉ đồng. Đến hết tháng 11-2022, khối lượng giải ngân đạt 3.709 tỉ đồng (68,2%).
Hơn 1.700 tỉ đồng chưa giải ngân tập trung ở tám dự án, gồm vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là 350 tỉ đồng; dự án Bến Lức - Long Thành là 296 tỉ đồng; dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc là 211 tỉ đồng; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên là 92 tỉ đồng.
Cùng đó, dự án VRAMP phải giải ngân 109 tỉ đồng; dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần giải ngân thêm 98 tỉ đồng; dự án WB6 kênh nối Đáy - Ninh Cơ và tuyến nối QL91 - tuyến tránh Long Xuyên phải giải ngân thêm 92 tỉ đồng ở mỗi dự án.
Chi trả qua thẻ đang ngày càng phổ biến. Trong ảnh: Người dân xếp hàng chờ quay thưởng tại phiên chợ không tiền mặt ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Không dùng tiền mặt trong chi trả an sinh xã hội từ năm 2022
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký chỉ thị của Thủ tướng về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…
Xây dựng đề án chống hàng giả trên thương mại điện tử
Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến các bộ ngành liên quan góp ý về đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Công Thương cho rằng cùng với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, kém chất lượng bày bán tràn lan trên mạng Internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là "vấn đề nhức nhối của xã hội".
Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại TP.HCM
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử khiến quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng, gây nhiều bức xúc, quan ngại.
Nhiệm vụ chính của đề án là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường trang thiết bị, công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác chống hàng giả.
Ba nhà khoa học nữ nhận học bổng nghiên cứu khoa học
Tại lễ trao tặng chiều 25-11, Hội đồng khoa học L’Oréal - UNESCO dành cho phụ nữ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đã chọn ba nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022, gồm: PGS.TS Lê Minh Hà - trưởng phòng hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - phó trưởng khoa nông học Trường đại học Nông Lâm Huế và TS Hà Thị Thanh Hương - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ba nhà khoa học nữ được vinh danh sẽ nhận học bổng nghiên cứu trị giá 150 triệu đồng/nghiên cứu, giúp họ tiếp tục phát triển đề án, tạo nên các ảnh hưởng và lợi ích lớn hơn cho cộng đồng.
Giải thưởng nằm trong chương trình "Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học", vinh danh các nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc trong hai lĩnh vực khoa học vật liệu và khoa học đời sống. Giải thưởng này đã được triển khai thường niên từ gần 10 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận