Khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM
Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình triển khai xây dựng nghị quyết thay thế nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP.HCM, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị quyết thay thế theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo tiến độ.
Cụ thể, trước ngày 28-2, gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội để thẩm tra.
Trước ngày 15-3, báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội và thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.
Trước ngày 25-3, gửi cơ quan chức năng của Quốc hội hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra lần 1 tại phiên họp đầu tháng 4-2023.
Trước ngày 25-4, gửi cơ quan chức năng của Quốc hội hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra lần 2 tại phiên họp đầu tháng 5-2023, trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Dự kiến vào gần cuối tháng 2, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM để xem xét đề án xây dựng nghị quyết thay thế nghị quyết 54.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh tháng đầu năm
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu được 1,83 nghìn tấn cao su sang Mỹ, trị giá 2,24 triệu USD, giảm 45,8% về lượng và giảm 50% về trị giá so với tháng 12-2022. Còn so với tháng 1-2022, giảm đến hơn 60% về trị giá.
Tháng đầu năm và nửa tháng 2, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này ở mức 1.227 USD/tấn.
Năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 13 cho Mỹ, chủ yếu là cao su tự nhiên. Đứng đầu là chủng loại SVR 3L, thứ hai là chủng loại Latex, thứ ba là SVR CV60.
Xuất khẩu cao su sang thị trường này, năm qua gặp nhiều trở ngại do đồng USD có nhiều biến động. Ngoài ra, vấn đề hoàn thuế khá chậm cho các doanh nghiệp sau khi xuất khẩu cũng khiến cho vòng xoay vốn chậm lại, ảnh hưởng tới việc đầu tư thêm cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo.
Thời gian tới, giá nhiên liệu và nhu cầu chung về năng lượng tại Mỹ dự kiến sẽ giảm, nhất là chi phí vận tải giảm. Đây là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su của Việt Nam sang xứ sở cờ hoa trong các tháng tới.
Khởi công xây dựng Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 quy mô 300 giường nội trú
Ngày 23-2, Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 chính thức khởi công xây dựng tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Dự án nằm trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.
Dự án Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 có tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 6ha. Trong đó, diện tích xây dựng công trình khoảng 7.530m2 gồm 1 khối nhà hành chính cao 3 tầng, 2 khối điều trị nội trú cao 6 tầng; có 1 tầng hầm.
Cùng với các hạng mục phụ trợ khác với diện tích sàn xây dựng khoảng 1.009m2 và các hạ tầng kỹ thuật kèm theo với quy mô 300 giường bệnh nội trú hoàn chỉnh.
Dự án được kỳ vọng có thể giải quyết tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi trung ương trong nội thành và cũng được trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa nhi cho cả nước.
TP.HCM phấn đấu trở thành thành phố không phát thải
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khởi động "Xây dựng kế hoạch hành động cho TP.HCM hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải (Net Zero city)".
Dự án này do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Với tên gọi Net Zero city, dự án gồm 3 mục tiêu mà TP phấn đấu đạt được như tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương, huy động nguồn lực đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
TP.HCM sẽ phấn đấu sản xuất 400 MW điện năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió… và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn điện này.
TP cũng sẽ huy động 600 triệu USD đầu tư mới cho năng lượng sạch. Đây là một trong những nỗ lực mà TP.HCM cố gắng để giảm khí thải nhà kính.
Trước đó Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã hợp tác với TP Osaka (Nhật Bản) trong khuôn khổ bản ghi nhớ Chương trình phát triển TP phát thải carbon thấp giai đoạn 2021 - 2025.
Trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu giảm 10% phát thải khí nhà kính. Con số này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ, hợp tác từ quốc tế.
Không chọn Thái Lan, Malaysia, một doanh nghiệp FDI quyết định chọn Việt Nam làm “bến đỗ”
Công ty J. Wagner GmbH (Đức) đã chọn Khu chế xuất Linh Trung I tại TP Thủ Đức làm nơi đặt nhà xưởng với diện tích 8.549m².
Đây là doanh nghiệp chuyên về các sản phẩm trong ngành sơn, sử dụng cho nhà ở, thương mại và công nghiệp. Ông Frederic Biondi - tổng giám đốc của J. Wagner - cho biết doanh nghiệp này đã tìm hiểu kỹ các thị trường công nghiệp ở Thái Lan, Malaysia và Việt Nam cho nhà máy mới của mình.
Tuy nhiên, cuối cùng doanh nghiệp này đã chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà xưởng vì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Minh - tổng giám đốc Sepzone Linh Trung - cho biết Sepzone đang nỗ lực thu hút khách thuê đa dạng và hiện đại tại Khu chế xuất Linh Trung I.
Tin tức COVID-19: 12 ca mới
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.870 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.488 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 5 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.740 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 4 ca.
Ngày 22-2 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 22-2 có 4.785 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.230.216 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận