63 tỉnh thành lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật đất đai sửa đổi
Tin tức từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến chiều 20-2, đã có 7 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính thức lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, đơn vị này cũng đã nhận được hàng trăm ý kiến góp ý của cá nhân, tổ chức gửi theo đường bưu điện và thông qua website: luatdatdai.monre.gov.vn.
Các nội dung góp ý tập trung nhiều vào các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; tài chính về đất đai, giá đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, hoàn thiện sẽ được báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5-4. Sau đó Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
Cũng theo kế hoạch dự kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều tổ chức chính trị xã hội, bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lấy ý kiến người dân đến ngày 15-3.
Sẽ mở 9 tuyến buýt mới phục vụ metro Nhổn - ga Hà Nội
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) cho biết đang hoàn thiện phương án kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy (dự kiến hoạt động nửa đầu năm 2023). Đồng thời trình phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Theo HPTC, dọc lộ trình Nhổn - ga Hà Nội đang có 31 tuyến buýt hoạt động và đủ điều kiện kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy.
Trong khi đó, với thiết kế tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách.
Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.
Do đó, theo HPTC, các điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí lại, bổ sung để thuận tiện cho việc kết nối với các ga.
Thêm vào đó, phương án đang xây dựng cũng sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh và 9 tuyến mở mới.
Dời hết bảng quảng cáo để làm nút giao An Phú
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông vừa đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM về việc dời các bảng quảng cáo nằm trong phạm vi xây dựng nút giao thông An Phú.
Về vấn đề này, Sở Giao thông vận tải cho biết đã yêu cầu các đơn vị phối hợp thực hiện di dời bảng quảng cáo để đảm bảo công tác bàn giao mặt bằng để làm nút giao An Phú (các bảng quảng cáo này nằm trong phạm vi xây dựng dự án nút giao An Phú).
Đồng thời, Sở Giao thông vận tải giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chủ trì phối hợp với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Ban Giao thông và chủ đầu tư các bảng quảng cáo trong phạm vi dự án xây dựng nút giao thông An Phú khẩn trương bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công dự án.
Đề xuất nâng cấp quốc lộ 61C đoạn qua TP Cần Thơ
Ngày 20-2, UBND TP Cần Thơ có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long - dự án 1 (nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, Kiên Giang đoạn qua TP Cần Thơ).
Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án này khoảng 6.433 tỉ đồng gồm vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản và vốn từ ngân sách nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó tuyến quốc lộ 61C sau khi nâng cấp sẽ rộng 23m.
TP Cần Thơ đề xuất thực hiện dự án trong giai đoạn 2023-2028.
Tin tức từ UBND TP Cần Thơ, hiện trạng kết nối giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang chủ yếu thông qua tuyến quốc lộ 61C có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hiện tại và tương lai.
Đây là tuyến đường ngắn nhất nối TP Cần Thơ với TP Vị Thanh (Hậu Giang) dài 47,35km, trong đó đoạn qua TP Cần Thơ dài 10,2km đóng vai trò là trục dọc kết nối các trục đường ngang quy hoạch như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu và tuyến đường Hồ Chí Minh từ Kiên Giang - Cà Mau - Năm Căn tạo thành mạng lưới giao thông rất quan trọng của vùng Tây Nam Bộ.
Tin tức COVID-19: Chỉ còn 15 ca mới
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.825 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.487 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 0 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.614.722 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 4 ca.
Ngày 19-2 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 19-2 có 1.611 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.212.209 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận