TP.HCM ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trường hợp Nhà nước thu hồi đất
UBND TP.HCM vừa ban hành quy định mức hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi tại TP.
Các trường hợp được hỗ trợ gồm có: người có đất thu hồi được hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Người có đất thu hồi được hỗ trợ các chính sách một lần thông qua đào tạo nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng với 8 ngành nghề đào tạo, được hỗ trợ mức trần học phí từ hơn 1,2 - 2,2 triệu đồng/người/tháng; trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có mức hỗ trợ theo chi phí thực tế và tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học;
Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có mức hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; người khuyết tật có mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.
Người có đất thu hồi cũng được mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học (nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên); người khuyết tật được nhận mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học (nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên).
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Đối với chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, người có đất thu hồi được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí; được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm tối đa là 100 triệu đồng/lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm hay Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi; 10 triệu đồng/lao động hoặc 30 triệu đồng/hộ đối với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo (trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo).
Về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được phân thành 3 khu vực, trong đó khu vực I (gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận); khu vực II (gồm quận 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức); khu vực III (gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ). Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm không vượt quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất địa phương.
7,1% người trưởng thành tại Việt Nam mắc đái tháo đường
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đái tháo đường là một bệnh mạn tính thường gặp.
Số liệu từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế, năm 2021 có khoảng 538 triệu người mắc đái tháo đường trên thế giới ở độ tuổi 20 - 79 tuổi, dự kiến đến năm 2045 sẽ có khoảng 700 triệu người mắc đái tháo đường.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đang phát triển với dân số khoảng 100,3 triệu người (theo kết quả sơ bộ điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1-4-2023, Tổng cục Thống kê) và có tỉ lệ đái tháo đường tuýp 2 ngày càng tăng, tỉ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành là 7,1%.
Theo Bộ Y tế, đái tháo đường không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường: tăng huyết áp; rối loạn mỡ máu; thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực; chế độ ăn, uống thừa năng lượng; lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hàng ngày, thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực. Người dân cần xét nghiệm đường máu định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có.
TP Phan Rang - Tháp Chàm sáp nhập 5 phường xã
Chiều 1-11, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) tổ chức lễ công bố nghị quyết số 1198/NQ-UBTVQH15 ngày 28-9-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh Ninh Thuận, thuộc các phường của thành phố.
Theo nghị quyết, TP Phan Rang - Tháp Chàm nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 0,45km2, quy mô dân số 5.200 người của phường Mỹ Hương, cùng toàn bộ diện tích tự nhiên 2,64km2, quy mô dân số 11.356 người của phường Tấn Tài vào phường Kinh Dinh. Sau khi nhập, phường Kinh Dinh có diện tích tự nhiên 3,5km2, quy mô dân số 24.656 người.
Đồng thời, toàn bộ diện tích tự nhiên 1,1km2, quy mô dân số 10.660 người của phường Thanh Sơn nhập vào phường Phủ Hà. Sau khi nhập, phường Phủ Hà có diện tích tự nhiên là 2,4km2, quy mô dân số 23.957 người. Như vậy, sau khi sắp xếp, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm 12 phường và 1 xã.
Chương trình nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ phòng chống ung thư vú
Thỏa thuận nằm trong khuôn khổ nền tảng APPIS - Liên minh hợp tác vì các sáng kiến và giải pháp cho bệnh nhân, do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Novatis cùng triển khai.
Theo đó, chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 10-2024 tới tháng 12-2026, với các hoạt động truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú, giảm kỳ thị liên quan đến các bệnh về sức khỏe sinh sản.
Các hình thức truyền thông đa dạng trên nền tảng mạng xã hội và kỹ thuật số sẽ giúp phụ nữ tiếp cận thông tin thuận lợi hơn. Chương trình cũng hướng tới tổ chức các sự kiện truyền cảm hứng, xây dựng mô hình mạng xã hội và kênh thông tin chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, với trên 24.500 ca mắc mới/năm, chiếm 28,9%/tổng số ca ung thư ở nữ giới. Mỗi năm có trên 10.000 người tử vong do ung thư vú, chiếm 8,3% số tử vong do ung thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận