Hàng không sắp tăng thêm chuyến bay Tết, giá vé sẽ bớt nóng
Tin tức từ các hãng hàng không cho biết vừa thảo luận với Cục Hàng không Việt Nam để tăng tải các chuyến bay những ngày cận Tết 2024.
Các hãng đã được xác nhận slot (lượt cất hạ cánh) tăng thêm vào ngày 18-1 sẽ tiếp tục đề xuất để chốt lại phương án, bắt đầu triển khai bay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng hàng không xác nhận hãng đang lên phương án để tăng chuyến.
Các slot tăng thêm dành cho đường bay đang có tỉ lệ đặt chỗ cao, cần ưu tiên bổ sung ngay tải cung ứng như từ TP.HCM đi Pleiku, Quy Nhơn, Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Huế, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Vinh.
Theo danh sách cấp tăng slot, Vietjet dẫn đầu số lượng hơn 600 chuyến, Vietnam Airlines 102 chuyến, các hãng khác 42 - 84 chuyến.
Như vậy, việc bổ sung các chuyến bay này sẽ giảm phần căng thẳng về giá vé. Dù vậy, lãnh đạo thương mại của một hãng bay cho biết vé Tết đã bán gần hết, tăng thêm chuyến vẫn chờ hãng sắp xếp nguồn lực, trong đó là tàu bay.
Nửa tháng cả nước nhập hơn 1.000 ô tô
Theo tin tức từ số liệu mới thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1-2024, cả nước chỉ nhập khẩu 1.053, với tổng kim ngạch 39 triệu USD. Dòng xe nhập khẩu nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 591 xe, kim ngạch đạt gần 18 triệu USD.
Gần dịp Tết Nguyên đán nhưng lượng xe nhập khẩu nhỏ giọt là điều khác biệt so với thông lệ nhiều năm trước đây.
Trước đó, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 118.942 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 2,83 tỉ USD, giảm mạnh 31,5% về lượng và giảm 26,3% về kim ngạch so với năm 2022.
Về thị trường, Thái Lan dẫn đầu với 53.942 xe, kim ngạch đạt hơn 1,14 tỉ USD, chiếm 45,35% về lượng và chiếm 40,46% về kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước.
Đứng thứ hai là Indonesia với 42.676 xe, kim ngạch 607,55 triệu USD, chiếm 35,88% về lượng và chiếm 21,47% về kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước.
Trung Quốc đứng thứ ba với 11.002 xe, kim ngạch 394,2 triệu USD, chiếm 9,25% về lượng và chiếm 13,93% về kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước.
Như vậy, riêng ba thị trường ở châu Á chiếm tới 90,48% tổng lượng ô tô nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.
Lần đầu tiên, cá ngừ đóng hộp xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường EU
Mới đây, tin tức từ Hiệp hội Chế biến và nuôi trồng thủy sản Việt Nam (VASEP), cá ngừ đóng hộp trở thành nhóm sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường EU.
Đây là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU, thu về ước khoảng 71 triệu USD. Con số này tăng 28% so với năm 2022.
Nguyên do của sự tăng trưởng này là được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sau khi khởi động lại.
Vì thế, có thời điểm kim ngạch xuất tăng tới mức ba con số so với cùng kỳ. Hơn nữa, do giá nhập khẩu trung bình các sản phẩm cá ngừ đóng hộp trong nội khối EU cao nên các nước EU có xu hướng tăng cường nhập khẩu cá ngừ từ bên ngoài.
Hiện nay, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 22 nước trong khối EU. Trong đó, Đức, Hà Lan và Ý là ba thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang cả ba nước kể trên đều tăng, đặc biệt là Ý, tăng tới 456% so với năm 2022.
TP.HCM hạn chế đào 591 tuyến đường vào ban ngày trong năm 2024
Tin tức từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sở này vừa ban hành danh mục 591 tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường ban ngày trong năm 2024.
Đây đều là những trục đường chính, xe cộ đi lại đông đúc nên hạn chế thi công đào đường từ 6h sáng tới 22h đêm. Các đơn vị chỉ được phép thi công từ 22h đêm đến 5h sáng hôm sau.
Trong đó có những tuyến đường “huyết mạch” như đường Võ Văn Kiệt đoạn từ hầm sông Sài Gòn đến quốc lộ 1 (qua các quận 1, 5, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh); đường Cách Mạng Tháng 8 đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Hoàng Văn Thụ (qua các quận 1, 3, Tân Bình); đường Điện Biên Phủ đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến vòng xoay Ngã Bảy (qua các quận 1, 3, Bình Thạnh)…
Các đoạn đường, tuyến đường nằm trong danh mục này được phép đào đường, thi công khi xử lý các sự cố đột xuất về kỹ thuật nhưng phải chấp hành theo đúng quy định.
Xử lý nghiêm nếu bán vé tàu, xe giá cao trong dịp Tết
Tại buổi họp giao ban báo chí chiều 18-1, ông Nguyễn Văn Phạn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Kiên Giang - cho biết tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phục vụ người dân, khách du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn.
Hiện Kiên Giang có nhiều bến xe, tàu như bến xe Rạch Giá, Hà Tiên, Vĩnh Thuận, Gò Quao (với hơn 2.000 xe kết nối các tỉnh thành trong cả nước) và bến tàu TP Rạch Giá đi Phú Quốc, Nam Du và Hòn Sơn (huyện Kiên Hải); bến tàu TP Hà Tiên đi Phú Quốc (với khoảng 30 chuyến tàu cao tốc, phà phục vụ khách/ngày).
Dự báo, người dân và khách du lịch đi lại dịp Tết sẽ tăng 7 - 10% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 20 - 30% so với ngày thường.
"Sở đã thành lập ban chỉ đạo phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân, khách du lịch và vận chuyển hàng hóa; khắc phục đoạn đường hư hỏng, kiểm tra, đảm bảo an toàn đường thủy kết nối các đảo.
Địa phương khuyến khích các cơ sở vận tải có chế độ chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người cao tuổi. Đặc biệt xử lý nghiêm trường hợp bán vé tàu xe cao so với quy định", ông Phạn nhấn mạnh.
Tết Giáp Thìn, Kiên Giang tổ chức chợ hoa xuân tại 5 điểm của TP Rạch Giá, gồm công viên văn hóa An Hòa, trung tâm thương mại Rạch Giá, đường Trần Quang Khải, khu đô thị Phú Cường và trung tâm thương mại Rạch Sỏi.
Trang trí các đường đèn - đường hoa, chợ hoa xuân, hội xuân, khu ẩm thực, vui chơi, giải trí… Đặc biệt tổ chức bắn pháo hoa ở TP Rạch Giá và TP Phú Quốc để phục vụ người dân, khách du lịch vui xuân, đón Tết.
Dự báo bệnh truyền nhiễm và mới nổi năm 2024 còn phức tạp
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Phan Thúy - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP.HCM - dự báo năm 2024 tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh mới nổi vẫn còn là thách thức lớn với ngành y tế.
Trong Hội nghị tổng kết hoạt động phòng chống dịch bệnh khu vực phía Nam năm 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng dự báo, năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn tiến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người bệnh, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng sẽ có thể tiếp tục ghi nhận tuýp vi rút EV71 gây bệnh cảnh nặng do chu kỳ dịch kéo dài 2 năm liền kề. Bệnh COVID-19 vẫn còn yếu tố khó lường chưa mang tính chất ổn định về xu hướng và tác nhân vi rút.
Ngoài ra các tác nhân gây viêm đường hô hấp cũng có xu hướng khó dự đoán như trong thời gian qua. Bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập và tiếp tục ghi nhận ca mắc mới trên nhóm nguy cơ cao HIV.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận