7 địa phương xuất khẩu trên 10 tỉ USD trong 6 tháng 2023
Theo Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng địa phương xuất khẩu chục tỉ USD đã tăng thêm 1 là tỉnh Bắc Giang.
Địa phương này đạt kim ngạch xuất khẩu 10,7 tỉ USD sau 6 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là địa phương hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương.
Các địa phương còn lại duy trì được kim ngạch chục tỉ USD là TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng và Đồng Nai.
Cụ thể, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước với 19,95 tỉ USD, nhưng giảm tới hơn 5 tỉ USD so với cùng kỳ 2022.
Bắc Ninh vẫn duy trì vị trí thứ hai nhưng kim ngạch chỉ đạt 17,06 tỉ USD, giảm gần 4,3 tỉ USD; Bình Dương ở vị trí thứ ba với kim ngạch đạt 14,75 tỉ USD, giảm 3,55 tỉ USD.
Thái Nguyên đạt 12,91 tỉ USD, giảm 4,31 tỉ USD; Đồng Nai đạt 10,4 tỉ USD, giảm 2,53 tỉ USD.
Riêng Hải Phòng có kim ngach 11,5 tỉ USD, giữ được phong độ so với kết quả 11,47 tỉ USD của cùng kỳ 2022.
Giảm thời gian thông quan hàng hóa
Đây là kết quả từ nỗ lực thực hiện chỉ tiêu giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng của Tổng cục Hải quan. Chương trình nhằm đạt chỉ tiêu tăng "giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng".
Hiện đối với hàng nhập khẩu, thời gian trung bình từ lúc đăng ký tờ khai đến khi thông quan, giải phóng hàng giảm 3 giờ 38 phút; đối với hàng xuất khẩu giảm 40 giờ 10 phút.
Đối với hàng hóa mang về bảo quản, thời gian trung bình từ lúc đăng ký tờ khai đến khi phê duyệt cho mang hàng về bảo quản, giảm hơn 11 giờ.
Theo Cục Hải quan TP, công việc mang tính đặc thù riêng cùng với việc thực hiện thủ tục hải quan đối với nhiều loại hình khác nhau và hàng hóa chịu sự quản lý chuyên ngành của nhiều bộ, ngành; địa bàn quản lý rộng gồm các cửa khẩu và ngoài cửa khẩu nên dành thời gian thông quan phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của đơn vị.
Giải ngân đầu tư công 6 tháng đạt gần 30,5% kế hoạch năm
Dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm sẽ được Ban cán sự Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị những ngày tới - cho thấy tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 6-2023 ước đạt 215.578,9 tỉ đồng, tương đương 30,49% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức giải ngân cùng kỳ năm 2022 khoảng 2,8%, tương đương con số giải ngân tuyệt đối cao hơn khoảng 65.163 tỉ đồng.
Tin tức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm có 6 bộ, cơ quan trung ương, và 26 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 35% kế hoạch được giao.
Trong đó, tỉ lệ giải ngân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 100%, Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 43,49%, các tỉnh Tiền Giang đạt 56,65%, Đồng Tháp 53,26%, Long An đạt 53,11%, TP Hải Phòng đạt 52,04%.
Bên cạnh đó, cũng có 45 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức bình quân của cả nước. Đáng lưu ý, có các bộ, ngành như: Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đến năm 2050 sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định số 847/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, quy hoạch nêu rõ, tầm nhìn đến 2050 cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức đảm bảo 100%; cấp và tạo nguồn cấp nước cho khu vực nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế...; đáp ứng nhu cầu nước cho hoạt động kinh tế ven biển, các đảo có đông dân cư.
Cấp nước tưới chủ động cho toàn bộ diện tích lúa được tưới với tần suất đảm bảo tối thiểu 85%, riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đảm bảo 90% - 95%, chủ động với các kịch bản cực đoan, nâng cao tỉ lệ tưới tiết kiệm nước.
Khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh, hệ thống thủy lợi…
Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch đã đưa ra phương án chung và phương án phát triển cho từng vùng.
Phương án chung gồm: tạo nguồn, tích trữ, điều hòa nguồn nước; nâng cấp, cải tạo các hệ thống thủy lợi; khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước; cấp nước sinh hoạt; tiêu, thoát nước và chống ngập úng...
Kiến nghị cho phép xuất khẩu vắc xin dịch tả heo châu Phi do Việt Nam sản xuất
Tin tức từ cuộc họp đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng 2 loại vắc xin dịch tả heo châu Phi: NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương NAVETCO (Công ty NAVETCO) và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam ngày 15-7, Cục Thú y cho biết giữa năm 2022 Việt Nam đưa vào sử dụng 2 loại vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi.
Cụ thể, NAVETCO đã cung ứng và tiêm phòng thí điểm hơn 47.000 liều tại 132 cơ sở, trong đó có gần 30.000 liều tiêm có giám sát, đúng quy trình và đối tượng, heo tiêm tăng trưởng và phát triển bình thường.
Tương tự, Công ty AVAC đã đưa vào tiêm thử nghiệm hơn 600.000 liều tại gần 600 trang trại, cơ sở, tỉ lệ kháng thể đạt 94,4%, heo khỏe mạnh.
Với kết quả trên, đại diện hai doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y kết thúc chương trình giám sát thí điểm tiêm phòng, xem xét sớm cho phép sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu vắc xin.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định bộ sẽ giao Cục Thú y soạn văn bản hướng dẫn việc lưu hành vắc xin diện rộng trên tinh thần giao các doanh nghiệp chủ động sử dụng, xuất khẩu và chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng toàn bộ các lô sản xuất.
Giá thanh long giảm sốc, nhà vườn thua lỗ
Thông tin từ nhiều nhà vườn phía Nam, giá thanh long bán xô tại vườn hiện chỉ 4.000-6.000 đồng/kg tùy nơi, trường hợp hàng loại 2, 3 chỉ còn 1.000-3.000 đồng/kg, thậm chí có nơi phải đổ bỏ vì thương lái không mua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-7, ông Nguyễn Quốc Trịnh, chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, cho biết sau thời gian ổn định ở mức cao, giá thanh long quay đầu giảm liên tục trong thời gian qua, và hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với giá tốt của gần 2 tháng trước. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm đến nay.
"Thời tiết đang mưa bão, lượng xuất khẩu đi Trung Quốc giảm, đụng mùa nhiều loại trái cây, chất lượng thanh long vào mùa thuận giảm do bị sâu bệnh hại nhiều... là những lý do chính kéo giá bán mặt hàng này giảm sốc trong thời gian ngắn", ông Trịnh lý giải.
Tuy vậy, theo ông Trịnh, hiện nay thanh long loại 1 vẫn có mức giá tốt hơn với khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng loại này chỉ chiếm số ít.
Với chi phí thời điểm này khoảng 4.000 - 7.000 đồng/kg tùy loại, nhiều nhà vườn trồng thanh long cho biết đang chịu thua lỗ nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận