Khu vực Hồ Tây ô nhiễm không khí nhất Hà Nội
Hà Nội nhiều ngày qua liên tục ô nhiễm không khí trầm trọng, Điển hình khoảng 8 giờ ngày 7-1 ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với AQI ở ngưỡng 272 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người.
Đáng chú ý nhiều ngày qua, khu vực Hồ Tây đứng đầu về ô nhiễm: phố Tô Ngọc Vân mức 416, Ciputra 408, Quảng Khánh 372, Quảng Bá 320... Đây đều là những chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người.
Các khu vực khác ghi nhận AQI ở ngưỡng tím như: Từ Hoa (Tây Hồ) 256, Lê Duẩn (Hoàn Kiếm) 256, Lò Đúc (Hai Bà Trưng) 270, Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) 233…
Theo các dữ liệu từ VN AIR của Bộ Tài nguyên và Môi trường và moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại Thủ đô thường xuyên nằm ở mức kém và xấu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới; đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết tại các quận, huyện; nhất là các quận nội thành tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, ô nhiễm không khí tại Hà Nội không chỉ là mối đe dọa ngắn hạn mà còn là nguy cơ dài hạn đối với sức khỏe cộng đồng. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn PM2.5 có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn và ung thư phổi. Ngoài ra, bụi mịn còn là nguyên nhân gây suy giảm chức năng tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý về mạch máu.
Hiện giao thông vận tải là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất, chiếm 50 - 70%/lượng phát thải PM2.5. Các phương tiện cũ, không đạt chuẩn khí thải vẫn hoạt động phổ biến khiến lượng khí thải độc hại gia tăng.
Ngoài ra, thành phố còn đối mặt với các nguồn phát thải từ hơn 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề và tình trạng đốt rác tự phát tại các vùng ngoại ô.
Đề nghị tăng mức phạt với vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm
Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 20 ngày 15-1 kết luận của Phó thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Phó thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng về tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý I năm 2025; phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các chức danh chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Về xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo chi tiết, đề xuất cụ thể về xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm; tổ chức cuộc họp riêng của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cho ý kiến vấn đề này, nhất là về kết nối, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu an toàn thực phẩm.
Về định hướng nhiệm vụ năm 2025, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương:
1. Tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
2. Chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế là chủ lực, có sự tham gia của các ngành nông nghiệp, công thương, công an;
3. Tuyên truyền toàn diện hơn, chú trọng tuyên truyền về chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với vi phạm an toàn thực phẩm.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng Dự án Luật An toàn thực phẩm sau khi đề nghị được chấp thuận, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay trong năm 2025, trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như phân định nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý;
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018 trong quý I năm 2025 để xử lý ngay các vướng mắc, bất cập đang rất cấp bách trong thực tế.
Nhiều hoạt động hỗ trợ người bệnh dịp tết
Theo ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, dịp tết năm nay Bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức "Chuyến xe yêu thương" đưa người bệnh đang điều trị tại bệnh viện về nhà ăn tết. Đây là hoạt động thường niên được tổ chức gần 10 năm qua tại Bệnh viện K nhằm giảm bớt khó khăn về đi lại dịp tết cho hàng ngàn người bệnh điều trị tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, từ 13-1 tức 14 tháng Chạp âm lịch, bệnh viện bắt đầu tổ chức chương trình "Tết yêu thương - Cơm sum vầy" tại cơ sở 2 của bệnh viện tại Tam Hiệp (huyện Thanh Trì), những ngày tới sẽ tổ chức tại cơ sở 3 ở Tân Triều (quận Hoàng Mai)...
Trong hơn 2 năm qua, nhờ hỗ trợ của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Bến Tre, bệnh viện vận hành được nhà ăn miễn phí mỗi ngày cung cấp hàng trăm suất ăn cho người bệnh điều trị tại cơ sở Tam Hiệp.
Dịp này, Bệnh viện Bạch Mai cũng tổ chức hội chợ tết với nhiều gian hàng bày ngay tại khuôn viên bệnh viện. Đây là năm thứ 2 Bạch Mai tổ chức hoạt động này để cung cấp "món ăn tinh thần" cho người bệnh và y bác sĩ và kêu gọi hỗ trợ cho người bệnh dịp Tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận