TP.HCM cấm xe nhiều đường quận 1 sáng cuối tuần
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa thông báo cấm xe đi vào nhiều đường ở quận 1 vào cuối tuần để phục vụ chương trình đồng diễn thể dục aerobic mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.
Cụ thể, TP.HCM cấm xe đi vào đường Đồng Khởi, đường Công trường Lam Sơn, đường Lê Lợi kể từ 6h30 đến 9h30 ngày 15-10.
Các đoạn đường cấm gồm đường Đồng Khởi (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Nguyễn Thiệp), đường Công trường Lam Sơn (hai bên Nhà hát TP, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Đồng Khởi), đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi).
Lộ trình lưu thông thay thế:
Đường Đồng Khởi - đường Lê Thánh Tôn - đường Nguyễn Huệ - đường Nguyễn Thiệp - đường Đồng Khởi.
Đường Hai Bà Trưng - đường Lê Thánh Tôn - đường Nguyễn Huệ - đường Lê Lợi.
Đường Nguyễn Huệ - đường Mạc Thị Bưởi - đường Hai Bà Trưng.
Báo cáo Thủ tướng về khả năng xây cầu cạn cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Giao thông vận tải vừa có báo cáo Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn khi triển khai các dự án cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo của bộ cho biết các dự án đường cao tốc được triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất đặc thù như điều kiện địa chất rất yếu, địa hình chia cắt bởi hệ thống kênh, rạch, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đặc biệt là hầu hết các dự án phải xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún kéo dài (khoảng 12 - 16 tháng) với nguồn vật liệu chủ yếu là cát, việc tổ chức phương án triển khai thi công các dự án trong khu vực là hết sức khó khăn. Nguyên do là đường tiếp cận công trường thông qua đường bộ, đường thủy (kênh, rạch) đều nhỏ, bị hạn chế về chiều cao thông thuyền.
Chính vì vậy, khi nghiên cứu thiết kế để lựa chọn giải pháp công trình, phương án xử lý nền đất yếu cần được xem xét, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố kinh tế - kỹ thuật để so sánh, quyết định. Như sử dụng công trình cầu cạn toàn bộ tuyến; kéo dài cầu vượt sông để giảm chiều cao đắp đầu cầu; xử lý lún bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải...
Tuy nhiên các giải pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn (hiện chi phí xây dựng cầu cạn cao hơn khoảng 2,6 lần so với giải pháp đắp nền), dẫn đến suất đầu tư các dự án khu vực này đều cao hơn so với các khu vực khác và so với các giải pháp thông thường đang áp dụng hiện nay.
Việt Nam chi hơn 6,6 tỉ USD nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng
Tin tức từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, Việt Nam nhập khẩu hơn 826.319 m3 xăng dầu, đạt 783 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam tháng này vẫn tăng 31,5% về lượng và tăng 27% về giá trị.
Giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9 đạt 948 USD/m3, tăng 4,8% so với tháng 8. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp giá xăng dầu nhập khẩu đi lên và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nay.
9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu m3 xăng dầu, tương đương 6,65 tỉ USD. Giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 9 tháng đầu năm ở mức 829 USD/m3.
Hàn Quốc, Singapore và Malaysia là ba nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Thị trường Việt bán hơn 25.000 ô tô một tháng
Tối 12-10, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố số liệu mới nhất tình hình tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam trong tháng 9-2023. Theo đó, doanh số bán hàng của toàn thị trường là 25.375 xe, tăng 13% so với tháng trước.
Con số này bao gồm 19.665 xe du lịch, 5.546 xe thương mại và 164 xe chuyên dụng.
Trong tổng số xe đã bán trong tháng 9, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 16.592 chiếc (tăng 26% so với tháng trước), xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.783 xe (giảm 7%).
Theo đánh giá của các chuyên gia ô tô, sức mua ô tô đang có dấu hiệu tăng trở lại, dự kiến doanh số bán hàng trong tháng 10 sẽ bật tăng.
Hiện các hãng rầm rộ tung ra mẫu xe mới, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách mua xe.
Nước sông, rạch ở TP.HCM và miền Nam đang lên nhanh
Mực nước tại hệ thống sông, rạch ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ đang lên nhanh. Mực nước cao nhất ngày tại hầu hết các trạm ở khu vực sẽ tiếp tục lên theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch.
Đỉnh triều đợt này tại miền Tây có khả năng xuất hiện vào ngày 16 đến 18-10 (tức nhằm ngày 2 đến 4-9 âm lịch). Tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) có thể đạt từ 1,95-2m, ở mức cao hơn báo động 3 (1,8m). Tại trạm Cần Thơ (sông Hậu) có thể lên từ 2-2,05m, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 (2m).
Bên cạnh đó, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng đang lên. Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 16 đến 17-10 (tức ngày 2 đến 3-9 âm lịch).
Trạm Phú An và Nhà Bè ở mức 1,53 - 1,58m, xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 2 (1,5m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 17-19h. Trạm Biên Hòa ở mức 1,9-1,95m, trên báo động 1 (1,8m).
Thu nhập của công nhân may hơn 9 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo của BCH Công đoàn Dệt may Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2018 - 2023, thu nhập bình quân của công nhân, lao động ngành dệt may năm 2018 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng, năm 2022 là 9,03 triệu đồng/người/tháng, đến nay nhiều đơn vị có thu nhập 11 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập trên đạt mức trung bình khá so với các ngành kinh tế khác, song đời sống công nhân vẫn khó khăn, nhất là người xa quê. Bên cạnh đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn và khó khăn đột xuất khiến nhiều công nhân dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đình công.
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, Công đoàn Dệt may Việt Nam phấn đấu nâng thu nhập bình quân tăng ít nhất 5%/năm. Kỳ vọng này xuất phát từ kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ năm 2018 - 2022 đạt 193,8 tỉ USD, tăng bình quân 7,34% mỗi năm.
Những bệnh nào hay gặp nhất tại Việt Nam năm 2023?
Theo ông Nguyễn Văn Kính - phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, 9 bệnh lây nhiễm hay gặp nhất gồm sốt xuất huyết; tay chân miệng; viêm gan vi rút B, C; nhiễm trùng đường hô hấp do RSV và COVID-19; viêm kết mạc do vi rút (đau mắt đỏ); bạch hầu; dại; ngộ độc thực phẩm; vi sinh vật đa kháng thuốc (lao, sốt rét, nhiễm khuẩn bệnh viện).
Những bệnh không lây hay gặp nhất là tim mạch, đái tháo đường, tai nạn giao thông, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hen, COPD); bệnh gan mãn tính do nhiễm trùng và không nhiễm trùng; bệnh thận mãn tính phải chạy thận chu kỳ; rối loạn tâm thần và ung thư.
Trong số này, những bệnh không lây như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mãn tính... đang có số mắc cao, chi phí điều trị lớn gấp 40-50 lần so với bệnh lây nhiễm.
Các yếu tố dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh lý này là tỉ lệ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại cao; người Việt tiêu thụ muối gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây trong khẩu phần; 28,1% dân số nói chung thiếu hoạt động thể lực...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận