Hơn 1 triệu người nhận tiền chi trả an sinh qua tài khoản
Tin tức từ báo cáo của Tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng lên trong nhiều lĩnh vực.
100% các cơ sở khám chữa bệnh đã có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau như chuyển khoản, quét mã QR Code, ví điện tử, thẻ khám chữa bệnh có kết nối với ngân hàng… đảm bảo thuận tiện cho người dân khi đi khám chữa bệnh; 100% cơ sở đào tạo nhân lực y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022 và vượt 4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong 5 triệu người hưởng chính sách xã hội có 1,8 người đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản, tăng 214.193 người so với tháng 2-2024, chiếm 36,03% tổng số người hưởng an sinh xã hội.
Có hơn 1 triệu người đã nhận trợ cấp qua tài khoản, tăng 255.815 người so với tháng 2-2024, chiếm 21,72%. Có 10 địa phương đã thực hiện chi trả chế độ cho 100% đối tượng thụ hưởng có tài khoản.
Số kinh phí đã thực hiện chi trả qua tài khoản an sinh xã hội là 3.456 tỉ đồng, tăng 867 tỉ đồng so với tháng 2.
Sẽ cấp giấy phép điện tử cho tàu biển nước ngoài ra vào bến tại TP.HCM
Từ ngày 15-4, TP.HCM thực hiện cấp giấy phép điện tử cho phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ, tàu biển… ra vào bến cảng, khu neo đậu ở TP.HCM.
Cụ thể, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM ra thông báo về việc triển khai thực hiện cấp giấy phép điện tử cho phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài vào - rời cảng, bến thủy nội địa, khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM.
Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM giao phòng quản lý cảng bến chủ trì theo dõi, giám sát quá trình triển khai cấp giấy phép điện tử, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn hoặc báo cáo để được chỉ đạo xử lý.
Trước đó, vào tháng 11-2023, các đơn vị triển khai thu phí, lệ phí không dùng tiền mặt là để tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Campuchia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất của Việt Nam trong quý 1
Theo tin tức từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết quý 1-2024, xuất khẩu phân bón đã thu về hơn 207 triệu USD với 499.786 tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý 1 với 103.510 tấn, tương đương hơn 42 triệu USD.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc, vươn lên vị trí thứ 3 là thị trường Philippines.
Một quốc gia châu Á khác là Malaysia cũng đang tăng nhập khẩu phân bón Việt Nam với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào đều đang chứng kiến mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm nay tăng nhẹ so với các năm trước.
Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) dự báo tiêu thụ phân bón trên toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 192,5 triệu tấn.
Sau 30 năm, tỉ lệ người hiến máu tình nguyện từ 0% đã đạt 97%
Tại Hội nghị công tác truyền máu toàn quốc năm 2024, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, thông tin nếu như năm 1994, tỉ lệ người hiến máu tình nguyện gần như là 0%, hầu hết là những người bán máu, đến nay tỉ lệ người hiến máu tình nguyện đã đạt 97%.
Phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển từng ngày, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Lượng máu tiếp nhận tăng đều hằng năm.
Kể từ năm 2014 đến nay, mỗi năm các cơ sở y tế đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Hiến máu tình nguyện không còn là phong trào, mà đã trở thành hoạt động thường xuyên bao gồm nhiều độ tuổi, thành phần, tôn giáo, dân tộc và nơi cư trú.
TS.BS Trần Ngọc Quế, giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, cho biết thêm rằng cả nước tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu, tăng 6% so với năm 2022; trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu.
Số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích lớn hơn hoặc bằng 350ml chiếm 66%. Tỉ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%. Tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%. Cả nước có 77 cơ sở y tế có tiếp nhận máu, trong đó: 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh, 29 cơ sở y tế tuyến huyện.
Trong năm qua, các cơ sở truyền máu điều chế được gần 3 triệu chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022.
Lập đoàn kiểm tra liên ngành về nhập khẩu đường theo hạn ngạch
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định về việc lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật khi nhập khẩu đường theo hạn ngạch.
Đoàn kiểm tra do ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - làm trưởng đoàn, cùng các thành viên là các cục vụ liên quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan.
Địa điểm kiểm tra là các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM; thực hiện kiểm tra với các công ty gồm Công ty cổ phần Đường Việt Nam, Công ty TNHH MTV đường Biên Hòa - Ninh Hòa, Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Biên Hòa, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa.
Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định về nhập khẩu theo hạn ngạch, đã được Bộ Công Thương phân giao theo phương thức đấu giá.
Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị của doanh nghiệp với việc phân giao hạn ngạch và phương thức đấu giá, đề xuất các giải pháp.
Đào tạo cho người dân tộc biết đưa du khách về nhà mình
Chương trình đào tạo nhân lực du lịch miễn phí dành cho 19 học viên dân tộc tỉnh Kon Tum vừa được Câu lạc bộ du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp cùng UBND huyện Đắk Hà và UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) khai giảng ngày 10-4 tại TP.HCM.
Đây là chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum khóa 1 năm 2024 kéo dài 6 tháng, hướng đến việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa bản địa, lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Sau khóa đào tạo, các học viên sẽ trở về địa phương, ngoài việc trực tiếp phục vụ khách, họ sẽ là các hạt nhân, truyền đạt lại kiến thức đã được học cho những người khác trong thôn bản của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận