Sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định sẽ bị phạt tới 150 triệu đồng
Tin tức từ Bộ Tài chính cho biết bộ này vừa hoàn thiện dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
Theo đó, dự thảo đề xuất mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi công khai không đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi chậm công khai về quỹ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày phải công khai.
Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi không công khai về quỹ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi không chuyển nộp hoặc trích lập quỹ theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 120 - 150 triệu đồng với hành vi sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền đã sử dụng, kết chuyển hoặc hạch toán không đúng quỹ.
Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá và khoản lãi tính trên số dư Quỹ bình ổn giá phát sinh (nếu có).
Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng quỹ không đúng quy định sẽ phải buộc nộp vào ngân sách toàn bộ số lãi phạt đối với số tiền quỹ chậm nộp, hoặc kết chuyển không đúng, hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật về quỹ.
Tỉ lệ lãi phạt là 0,03%/ngày, tính trên số ngày chậm nộp, hoặc kết chuyển không đúng hoặc số ngày đã sử dụng không đúng mục đích.
Ước năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%
Theo tin tức từ báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%.
Ước tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và tỉ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gồm: xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); xã Hải An và Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); xã Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế); xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế); xã Phú Gia, Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế); xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương đến ngày 31-12-2023, vốn đầu tư phát triển đạt 94,67%, vốn sự nghiệp đạt 88,19%.
Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ chạm mức cao nhất trong năm qua
Theo tin tức từ số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ trong tháng 11-2023 đạt mức cao nhất trong 1 năm qua, đạt 18 triệu USD, tăng 30,9% so với tháng 10-2023, nhưng giảm 3,0% so với tháng 11-2022.
Tính chung trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ đạt 131,85 triệu USD, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, nhập khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ và EU từ Việt Nam có xu hướng giảm. Thị phần các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam tại các thị trường lớn như Mỹ và EU có xu hướng giảm.
Tháng 10-2023, xuất khẩu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường EU đạt 5,04 triệu USD, tăng 53,8% so với tháng 9-2023, giảm 21,0% so với tháng 10-2022.
Tính chung trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU chiếm 34,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 39,46 triệu USD, giảm 39,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường tại EU, thị phần gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam tại Đan Mạch là lớn nhất.
Theo thống kê, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Mỹ trong tháng 10-2023 đạt 5,81 triệu USD, tăng 47,1% so với tháng 9-2023, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang Mỹ chiếm 32,9% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước, đạt 37,4 triệu USD, giảm 48,3% so với cùng kỳ năm 2022.
TP.HCM cần khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc trong quý 1-2024
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết nhu cầu nhân lực của TP trong quý 1-2024 là khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc.
Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ cần từ 56.200 - 62.400 chỗ làm việc (chiếm 72,63%); công nghiệp - xây dựng nhu cầu từ 21.100 - 23.400 chỗ làm việc (chiếm 27,23%); khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản nhu cầu từ 109 - 120 chỗ làm việc (chiếm 0,14%).
Về trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần 68.600 - 76.100 chỗ làm việc (chiếm 88,52%); trong đó, trình độ đại học trở lên cần 17.100 - 18.900 chỗ làm việc (chiếm tỉ lệ 22,08%), cao đẳng cần 16.400 - 18.200 chỗ làm việc (chiếm tỉ lệ 21,19%), trung cấp cần 20.000 - 22.200 chỗ làm việc (chiếm tỉ lệ 25,84%), sơ cấp cần 15.000 - 16.600 chỗ làm việc (chiếm tỉ lệ 19,41%).
Ngoài ra, nhu cầu lao động phổ thông của TP.HCM trong quý 1-2024 cần khoảng 8.800 - 9.800 chỗ làm việc (chiếm tỉ lệ 11,48%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận