Thành viên Tổ chức Hòa bình xanh biểu tình chống quyết định của Hungary trong việc cấm vận dầu mỏ Nga. Biểu ngữ ghi "Đứng về phía hòa bình chứ không về phía dầu mỏ" trước tòa nhà Quốc hội Hungary ở thủ đô Budapest ngày 30-5 - Ảnh: REUTERS
* Đến tận tối 30-5 ở Brussels (Bỉ), 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) mới đạt được thỏa thuận cấm vận dầu mỏ Nga, nhắm vào hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel cho biết việc cắt giảm nhập dầu tiến hành từ nay cho đến cuối năm "sẽ làm giảm đi nguồn tài chính lớn" với Nga và tạo áp lực tối đa với Matxcơva để chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
Ngoài lệnh cấm dầu mỏ, gói trừng phạt mới chống lại Nga sẽ bao gồm các biện pháp quan trọng khác, trong đó có hủy bỏ tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank, cấm ba đài truyền hình nhà nước của Nga, liệt kê danh sách các cá nhân đã phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine, theo quan chức này.
Hungary, một quốc gia nằm sâu trong đất liền không có lối ra biển phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, trước đó phản đối bất kỳ lệnh cấm vận dầu mỏ nào trừ phi nước này được miễn trừ thực hiện trong ít nhất 4 năm để có thời gian chuẩn bị và EU tài trợ 800 triệu euro để sửa chữa các nhà máy lọc dầu của nước này cho phù hợp với các nguồn dầu thô khác.
* Ngày 30-5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đã ban hành luật mới để thực hiện cấm sở hữu súng ngắn và cấm mua và bán súng ngắn trên toàn quốc.
"Ngoài súng thể thao và súng săn, không có lý do gì bất cứ ai ở Canada cần súng trong cuộc sống hằng ngày của họ", ông Trudeau nói, Hãng tin Reuters dẫn lời.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại cuộc họp báo về luật kiểm soát vũ khí đưa ra ngày 30-5 tại Hạ viện ở Ottawa - Ảnh: REUTERS
* Ý bỏ yêu cầu liên quan "chứng nhận không COVID" khi nhập cảnh. Ngày 30-5, Bộ Y tế Ý tuyên bố hủy bỏ yêu cầu những người nhập cảnh nước này phải xuất trình "thẻ xanh COVID-19", bằng chứng về việc đã tiêm vắc xin, mới khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV2.
Bộ Y tế nước này thông báo rằng yêu cầu xuất trình "thẻ xanh" COVID-19 sẽ không được gia hạn khi nó hết hạn vào ngày 31-5. Ý là quốc gia châu Âu có các quy định phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt nhất, trong đó yêu cầu người lao động phải xuất trình thẻ xanh. Hiện hầu hết các biện pháp phòng dịch đã được dỡ bỏ, mặc dù vẫn còn quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong trường học.
* Theo Hãng tin Reuters, ngày 30-5, Bộ Ngoại giao Đức cho biết chuyến đi Trung Quốc của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet không làm rõ được các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương như mong đợi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức giải thích rằng do các hạn chế từ chính quyền Bắc Kinh, việc tự do tiếp cận với cá nhân và địa điểm không thể thực hiện được trong chuyến đi. "Điều này có nghĩa là không thể có một đánh giá độc lập về tình hình tại chỗ", phía Đức đưa ra đánh giá.
Tuy nhiên, người phát ngôn này nói thêm rằng Đức vẫn tiếp tục mong chờ bà Bachelet sẽ công bố báo cáo về tình hình nhân quyền ở Tân Cương càng sớm càng tốt.
* Leclerc-Imhoff, 32 tuổi, phóng viên kênh BFMTV của Pháp, bị bắn tử vong khi đang lên một chuyến xe buýt nhân đạo cùng với các thường dân chạy khỏi bom đạn của Nga tại Severodonetsk, Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, Pháp kêu gọi tiến hành điều tra về vụ việc. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đây là nhà báo thứ 32 tử vong trong chiến sự.
Nhà báo Leclerc-Imhoff - Ảnh: CNN
* Lực lượng cứu hộ của Nepal ngày 30-5 đã tìm thấy 21 trong tổng số 22 thi thể nạn nhân trong vụ chiếc máy bay De Havilland DHC-6-300 Twin Otter rơi ở nước này 1 ngày trước đó.
* Ngày 30-5, tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga xác nhận sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Công ty kinh doanh khí đốt GasTerra của Hà Lan từ ngày 31-5.
“Gazprom Export ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31-5-2022 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo thủ tục được thiết lập”, thông báo trên kênh Telegram của Gazprom cho biết, đề cập đến sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Phía GasTerra của Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Nga đã cắt nguồn cung khí đốt với Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vì lý do tương tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận