Riêng trong quý 2 năm nay, số lượng căn hộ tung ra thị trường ở TP.HCM vượt qua số căn mở bán trong cả năm 2021 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Gần 90% căn hộ chào bán mới ở TP.HCM đến từ TP Thủ Đức
Dữ liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy thị trường căn hộ bán ra ở TP.HCM "bùng nổ" trong quý 2, với 15.528 căn từ 12 đợt mở bán mới, vượt qua số căn mở bán trong cả năm 2021.
Đáng chú ý, chỉ riêng tại TP Thủ Đức đã chiếm 88% tổng số căn hộ được chào bán mới. Phân khúc cao cấp lại tiếp tục chiếm ưu thế của thị trường khi có đến 93% căn hộ mở bán thuộc phân khúc này, trong khi phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận duy nhất một đợt mở bán, còn phân khúc bình dân "gần như tuyệt chủng" nguồn cung mới từ quý 1-2019.
Theo CBRE Việt Nam, giá sơ cấp trung bình toàn thị trường TP.HCM đạt 2.455 USD/m² (tương đương 56,5 triệu đồng/m²), tăng 2,7% theo quý và tăng 8,6% theo năm. Tuy vậy, tỉ lệ hấp thụ các dự án vẫn gần như không đổi theo năm, trung bình ở mức 72%.
Trong khi đó, DKRA Việt Nam nhận định trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận nhiều đợt tăng giá ở hầu hết các phân khúc.
Các chuyên gia của DKRA Việt Nam sẽ đưa ra các nhận định về thị trường trong thời gian tới thông qua lễ công bố báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận với chủ đề "Giá giảm?" vào sáng nay 7-7.
Cắt giảm nhiều thủ tục liên quan việc mở trường học công, tư các cấp
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Theo đó, thủ tục hành chính thành lập trường học công và tư các cấp, sáp nhập, chia tách trường được cắt giảm một số khâu, cho phép tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến...
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và đào tạo, việc cắt giảm thủ tục như trên có thể tiết kiệm tới 30% chi phí tuân thủ quy định, rút ngắn thời gian trả kết quả.
Cảnh báo các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn thương mại điện tử
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang diễn ra phổ biến. Người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn sau:
Mua bán qua mạng ngày càng phát triển nhưng cũng dễ nảy sinh các "tai nạn" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thứ nhất, đối tượng lập tài khoản người bán trên sàn TMĐT giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Chúng đăng bán các sản phẩm có giá trị cao, nhỏ gọn và dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại… với mức giá rẻ hơn niêm yết từ 3-4 lần, cùng với đó là những dòng mô tả như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho".
Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn TMĐT cung cấp thông tin cá nhân của người mua, sử dụng các phương thức liên lạc như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn TMĐT mới mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết.
Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.
Thứ hai, đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển logistics đến địa chỉ người mua.
Khi đó đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Người bị hại thanh toán trả trước, không kiểm tra khi nhận hàng, hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm đặt mua trên sàn TMĐT nên thanh toán tiền bình thường. Do việc giao dịch của người bị hại ngoài phạm vi của các sàn TMĐT, người dùng không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm.
Thứ ba, đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn TMĐT hỗ trợ về việc đổi trả đơn hàng mà người dùng đã đặt trên các sàn trước đó. Lợi dụng nhu cầu phát sinh đổi trả từ nạn nhân, các đối tượng hứa thu hồi và hoàn tiền hoặc đền tiền gấp 3 lần.
Sau đó lừa nạn nhân bấm vào link lừa đảo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin cá nhân như: số điện thoại, tên định danh, chi tiết thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu và/hoặc OTP) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.
Đại biểu HĐND chất vấn Sở Xây dựng về chương trình nhà ở xã hội TP.HCM
Sáng nay, kỳ họp thứ 6, HĐND TP bước vào ngày làm việc thứ 2. Mở đầu là phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đơn vị về những chính sách, kinh tế - xã hội TP. Trong đó vấn đề đang được nhiều đại biểu đưa ra trong buổi thảo luận tổ là chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: HỮU HẠNH
Dự kiến Sở Xây dựng TP.HCM sẽ là đơn vị trả lời chất vấn về nội dung này, khi thời gian qua các chương trình phát triển nhà ở TP được cho là chậm tiến độ triển khai.
Trước đó, tại buổi giám sát chương trình phát triển nhà ở TP, bà Nguyễn Thị Lệ, chủ tịch HĐND TP, cho biết số lượng nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016-2020 là 19/64 dự án. "Những con số trên cho thấy tiến độ triển khai của chúng ta rất chậm", bà Lệ nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại phiên họp buổi chiều, toàn thể đại biểu tham gia kỳ họp sẽ nghe các báo cáo về tình hình triển khai, giám sát nghị quyết 54 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Nhóm trẻ nào dễ gặp "hội chứng sau mắc COVID-19"?
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em vừa được Bộ Y tế ban hành, đa số trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng có một số trường hợp sau khi khỏi trong vòng 4 tuần có thể gặp "hội chứng sau mắc COVID-19", cụ thể là tình trạng viêm đa hệ thống ở trẻ.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho học sinh khối lớp 10,11 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giai đoạn điều trị trước đó có thở máy, hồi sức sốc, lọc máu, ECMO, nằm khoa hồi sức cấp cứu; Chưa tiêm chủng vắc xin COVID-19; COVID-19 nặng hoặc Bộ Y tế cho biết trẻ dư cân, béo phì; Trẻ lớn > 6 tuổi; Trẻ là bé gái; Có bệnh nền, bệnh lý mãn tính; Tiền sử dị ứng, hen, cơ địa dị ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận