06/03/2022 06:52 GMT+7

Tin sáng 6-3: Biến thể phụ mới BA.2 của Omicron lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế Delta

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN

TTO - Ca COVID-19 mới có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết tỉnh thành trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là trên 131.000 ca), số ca tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin.

Tin sáng 6-3: Biến thể phụ mới BA.2 của Omicron lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế Delta - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TPThủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong đó, số mắc gia tăng nhanh ở nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1-2022 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%), số ca nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số ca tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày. Bộ Y tế đánh giá việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Đáng chú ý, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần biến thể Delta.

Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; trong đó biến thể BA.2 (biến thể phụ của Omicron, còn gọi là Omicron tàng hình, đã xuất hiện tại 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng mắc lại BA.2, nhất là ở người trẻ tuổi và chưa tiêm vắc xin) chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện mắc COVID-19 chủng Omicron.

Biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Tại TP.HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Tuy nhiên do tỉ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1-2 là 0,9%, ngày 3-3 là 0,1%).

Bộ Y tế cũng nhận định thời gian tới Việt Nam nới lỏng cách ly y tế, giảm các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên tất cả các phương tiện, lượng khách quốc tế đi, đến Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, sẽ không tránh khỏi gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tiếp tục gia tăng áp lực lên hệ thống y tế.

Tin sáng 6-3: Biến thể phụ mới BA.2 của Omicron lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế Delta - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM xử lý F0 tại cộng đồng theo 4 bước

Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản cập nhật hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại cộng đồng gồm 4 bước.

1. Trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) nhận danh sách F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác nhận là F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động thực hiện lại xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.

2. Quá trình quản lý, chăm sóc F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động đánh giá tình trạng sức khỏe của F0.

Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc Sp02 dưới 96%) thì gọi Tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì cho cách ly điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) và cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" do Sở Y tế ban hành và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; cơ sở cách ly có thu phí, cơ sở cách ly tập trung của địa phương) tùy theo tình trạng, mức độ bệnh và nguyện vọng của F0 hay gia đình.

3. Quy trình điều tra dịch tễ, xác định F1 trong cùng hộ gia đình, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động điều tra dịch tễ, tiền sử tiêm vắc xin COVID-19 của tất cả người sống cùng nhà; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin). Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0.

Những người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính sẽ được xác định là F0 và chăm sóc, quản lý như trên.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, nếu thành viên trong hộ gia đình là F1 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong suốt thời gian cách ly, các F1 không được tiếp xúc nhau và tiếp xúc người khác.

Nếu thành viên trong hộ gia đình không phải là F1 thì hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày; tổ chức tiêm chủng ngay cho đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin COVID-19 theo lứa tuổi; đặc biệt cần theo dõi sát những người thuộc nhóm nguy cơ.

UBND cấp xã chịu trách nhiệm ban hành quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người được cách ly; tăng cường kiểm tra giám sát sự tuân thủ cách ly y tế của các trường hợp F1.

4. Điều tra dịch tễ, xác định các hộ gia đình có nguy cơ lây lan dịch bệnh, chỉ thực hiện khi xuất hiện F0 ở ít nhất 2 hộ liền kề hoặc 2 hộ có giao lưu tiếp xúc trong 3 ngày.

Tin sáng 6-3: Biến thể phụ mới BA.2 của Omicron lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế Delta - Ảnh 3.

Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đề xuất chỉ xét nghiệm 1 lần khi nhập cảnh Việt Nam

Trong đề xuất vừa gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế đề nghị người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm bằng PCR hoặc RT-Lamp trong 72 giờ, hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong 24 giờ là âm tính, ngoại trừ trẻ em dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm.

Khi nhập cảnh Việt Nam trong 24 giờ đầu thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú và tham gia các hoạt động ngoài nơi lưu trú, thay cho đề xuất trước đây là phải ở lại nơi lưu trú trong 72 giờ đầu khiến nhiều doanh nghiệp du lịch than là khó thu hút du khách.

Tin sáng 6-3: Biến thể phụ mới BA.2 của Omicron lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế Delta - Ảnh 4.

Phát thuốc cho F0 tại nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội tối 5-3 ghi nhận 25.013 ca COVID-19 mới, trong đó có 9.407 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Bắc Từ Liêm (1.454); Đông Anh (1.442); Hoài Đức (1.368); Hoàng Mai (1.322); Sóc Sơn (1.310). Tới hết ngày 4-3, Hà Nội có hơn 1.000 ca điều trị tại các cơ sở thu dung.

Ngoài ra, có hơn 6.000 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế tầng 2, 3; trong đó có 360 ca điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hôm qua, Hà Nội có thêm hơn 58.000 người mắc COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi lên 629.031. Đồng thời, cũng có 12 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 (từ 27-4-2021 đến nay) lên 1.152 người.

Sở Y tế Hà Nội giao CDC Hà Nội làm đầu mối phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các đơn vị có khả năng giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2, tổ chức xét nghiệm sàng lọc, giải trình tự gene các ca COVID-19; đánh giá mức độ lây nhiễm với các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn thành phố.

Tin sáng 6-3: Biến thể phụ mới BA.2 của Omicron lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế Delta - Ảnh 5.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

- Tròn 4 tháng từ khi dịch COVID-19 xâm nhập, tỉnh Cao Bằng ghi nhận hơn 20.000 ca COVID-19. Ngày 5-3, ghi nhận thêm 2.257 ca COVID-19 mới (số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay). Trong đó TP Cao Bằng có số ca mắc cao nhất với 777 bệnh nhân.

Hiện Cao Bằng có 1.449 người đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị của tỉnh; 11.517 ca không triệu chứng đang được cách ly điều trị tại nhà. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tiêm vắc xin COVID-19; tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm, quyết liệt đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin.

- Từ 12h ngày 6-3, các nhà hàng ăn uống, quán cơm, quán bia, ăn sáng, quán cà phê, giải khát, các dịch vụ ăn uống trong các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh; các cơ sở làm đẹp, cắt tóc, gội đầu, spa, làm móng... tại Lào Cai được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: vũ trường, quán bar, karaoke, massage, Internet, trò chơi điện tử tiếp tục tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 cho đến khi dịch giảm về các cấp độ 1, 2.

Các hoạt động tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch: bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao trên địa bàn Lào Cai được tổ chức, nhưng phải bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.

Ngày 5-3, Lào Cai ghi nhận thêm 1.945 ca mắc mới và 2 ca tử vong. Tính đến nay, Lào Cai đã có tổng số 40.994 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, 20.368 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện, 20.600 bệnh nhân đang được cách ly điều trị, 26 ca tử vong.

- Hà Nam trong ngày 5-3 ghi nhận 2.146 ca COVID-19 (số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay). Đây là ngày thứ năm liên tiếp, Hà Nam ghi nhận vượt ngưỡng 1.000 F0/ngày (ngày 4-3 là 1.896 ca; ngày 3-3 là 1.645 ca; ngày 2-3 là 1.345; ngày 1-3 là 1.095 ca). Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 22.536 ca COVID-19. Trong đó 16.384 người đã khỏi bệnh, ra viện; 30 ca tử vong.

TP Phủ Lý có 43 cán bộ y tế mắc COVID-19, huyện Bình Lục, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có 63 cán bộ nhân viên y tế bị mắc COVID-19. Một số trạm y tế thậm chí tất cả cán bộ nhân viên y tế đều mắc COVID-19.

- Ngày 5-3, Quảng Trị ghi nhận thêm 1.185 ca COVID-19, trong đó có 577 ca cộng đồng, 599 ca cách ly tại nhà. Các địa phương ghi nhận ca cộng đồng gồm huyện Triệu Phong 137 ca, huyện Hải Lăng 115 ca, TP Đông Hà 64 ca, TX Quảng Trị 31 ca, huyện Hướng Hóa 2 ca, huyện Gio Linh 8 ca, huyện Vĩnh Linh 2 ca, huyện Cam Lộ 185 ca, huyện Đakrông 33 ca.

Trước đó, trong các ngày từ 2 đến 4-3, Quảng Trị lần lượt ghi nhận 1.086, 995 và 1.113 ca COVID-19. Dự kiến số ca COVID-19 sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh sau 10 ngày. UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Y tế hoàn chỉnh kế hoạch và các hướng dẫn chăm sóc, điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19 cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo không có người dân nào không tiếp cận được các dịch vụ y tế khi cần thiết...

Tin sáng 5-3: Ca COVID-19 mới tăng leo Tin sáng 5-3: Ca COVID-19 mới tăng leo 'đỉnh' do Omicron?

TTO - Chỉ trong 24 giờ (16h ngày 3-3 đến 16h ngày 4-3), cả nước ghi nhận “kỷ lục” với 125.587 ca, riêng Hà Nội đến 21.396 ca. So với ngày trước, số ca nhiễm đã tăng lên đến 6.788 ca và có 25 tỉnh, thành có số ca nhiễm từ trên 2.000 - trên 6.600 ca.

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp