Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia ứng dụng công nghệ flycam để kiểm tra đường dây
Hơn 50 nền tảng công nghệ được ra mắt phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Báo cáo chuẩn bị cho phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay về phát triển dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian vừa qua bộ đã chủ động hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đến nay, tỉ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%.
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 67,8%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 43,2%, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index) - tăng 5 bậc so với năm 2020.
Đến nay, đã có hơn 50 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tổng thanh tra các doanh nghiệp nợ, trốn, chậm đóng bảo hiểm trong năm 2023
Theo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, toàn quốc tập trung thanh tra các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng, trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến hết tháng 9-2022, số tiền chậm đóng các bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 14.577 tỉ đồng (chiếm 3,38% số phải thu).
Người dân tại TP.HCM làm thủ tục nhận BHXH một lần tại BHXH thành phố Thủ Đức- Ảnh: DUYÊN PHAN
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các UBND và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thành sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% doanh nghiệp hoặc đơn vị có hành vi vi phạm.
Trong tháng 10-2022 vừa qua, đoàn công tác liên ngành Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kiểm tra tại các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp cố tình chậm nộp, thậm chí nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài do lợi dụng kẽ hở chính sách; chế tài xử lý chưa nghiêm; mức phạt hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn thấp.
Ghi nhận các ý kiến, thiếu tướng Trần Đình Chung - phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) - đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cần thống kê chi tiết để lực lượng công an nhận diện rõ hành vi vi phạm, từ đó triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý, răn đe hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm kịp thời.
Trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Toàn cảnh dự án đường cao tốc nối TP.HCM với Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh: M.V. chụp lại
Trên cơ sở tổng hợp phiếu xin ý kiến thành viên hội đồng, có 12/13 thành viên bỏ phiếu đồng ý, đạt điều kiện thông qua theo quy định. Hội đồng thống nhất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức PPP đủ điều kiện để trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, trong đó đoạn đi qua Đồng Nai 11km và tỉnh Lâm Đồng 55km. Giai đoạn 1, cao tốc được đầu tư rộng 17m gồm 4 làn xe, riêng các đoạn dừng xe khẩn cấp bố trí từ 4-5km/vị trí.
Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư theo quy hoạch với bề rộng mặt đường 22m (4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.200 tỉ đồng, vốn ngân sách tham gia 6.500 tỉ đồng (ngân sách trung ương và địa phương); còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022 và đưa vào khai thác năm 2026.
Chuẩn bị thông xe hầm chui trước bến xe Miền Đông mới
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết hầm chui trước bến xe Miền Đông mới, TP Thủ Đức sẽ nghiệm thu và khai thác vào cuối tháng 11, tăng kết nối cho bến này thuận tiện hơn.
Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới và các công trình liên quan giúp giao thông tại đây thông thoáng, kết nối hơn
Hiện tại các hạng mục chính của hầm chui đã hoàn thành, chỉ còn công đoạn hoàn thiện hệ thống chiếu sáng.
Hầm chui dài 670m, rộng 8m, có hướng di chuyển từ TP.HCM đi Đồng Nai. Đây là một hạng mục chính của dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới, tổng mức đầu tư hơn 437 tỉ đồng.
Khi khai thác, công trình giúp tách dòng xe đi thẳng quốc lộ 1 với hướng ra vào bến xe Miền Đông mới, đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn ứ ở khu vực.
Ngoài hầm chui trên, dự án còn một hầm khác ở đối diện, một cầu đi bộ băng qua quốc lộ 1 ở gần bến xe và ga metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hai cầu để quay đầu xe.
Đắk Lắk ghi nhận ca nghi mắc đậu mùa khỉ
Ngày 3-11, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 2-11, tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trú tại huyện Cư M’gar từng đi du lịch nước ngoài.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) là đơn vị tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM và khu vực phía Nam - Ảnh: XUÂN MAI
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk lấy mẫu xét nghiệm người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ để xét nghiệm chẩn đoán; cách ly, điều trị, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cần khẩn trương thực hiện điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trong quá trình đi du lịch ở nước ngoài và tại Việt Nam. Đồng thời tổ chức quản lý, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Bộ cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
819 ca COVID-19 mới, không có ai tử vong
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.504.910 ca COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.266 ca).
Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 3-11: 244 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.604.186 ca. Số bệnh nhân đang thở oxy là 56 ca. Ngày 2-11 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.165 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong ngày 2-11 có 65.750 liều vắc xin COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 262.147.864 liều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận