Học sinh lớp 1 ở Hà Nội đến trường sau thời gian nghỉ dài do dịch COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Trường không lợi dụng danh nghĩa phụ huynh để thu bảy khoản
Theo hướng dẫn mới của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định trong điều 10 thông tư 55/2011 của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Cụ thể, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản tiền phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, không được thu các khoản tiền sử dụng để:
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh (tiền gửi xe); Vệ sinh trường, lớp; Khen thưởng giáo viên, nhân viên nhà trường;
Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho giáo viên, nhân viên nhà trường; Hỗ trợ việc quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình của nhà trường.
Xử lý, thu hồi hơn 130.300 tỉ đồng sau thanh tra
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong năm 2022 các cơ quan chức năng đã tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương.
Báo cáo cũng dẫn chứng trong năm 2022, toàn ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.127 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 130.305 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 46%), xử lý hành chính 2.479 tổ chức, 5.220 cá nhân, đôn đốc khởi tố 14 vụ và 66 đối tượng.
Cũng trong năm 2022, số lượt người đến cơ quan hành chính khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm 2021. Số lượt đoàn khiếu kiện đông người giảm 32%, tổng số đơn giảm 4%. Tình trạng công dân tập trung khiếu kiện ở trung ương không nhiều, không phát sinh "điểm nóng" phức tạp liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Tháng 9-2022 toàn quốc xảy ra 825 vụ tai nạn giao thông, gần 140 vụ cháy
Ngày 29-9, Bộ Công an cho biết, trong tháng 9-2022 toàn quốc xảy ra 825 vụ tai nạn giao thông, làm chết 438 người, bị thương 589 người. So với tháng 8-2022, giảm 127 vụ, giảm 53 người chết, giảm 112 người bị thương.
Về việc xử lý hành chính về trật tự an toàn giao thông, toàn quốc có gần 260.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý, xử phạt 453,79 tỉ đồng, tạm giữ hơn 72.000 ô tô, mô tô, xe máy.
Cũng trong tháng 9, toàn quốc xảy ra 138 vụ cháy, làm chết 39 người, bị thương 20 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 14,91 tỉ đồng. So với tháng 8-2022, số vụ cháy tăng 4 vụ, tăng 29 người chết, tăng 13 người bị thương, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính giảm 14,77 tỉ đồng.
Rất đông du khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 9 vừa qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có hơn 1,3 triệu lượt người nước ngoài đến Việt Nam, hơn 1,3 triệu lượt người Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 9. So với tháng 8-2022, số lượt người nước ngoài đến Việt Nam tăng vọt (tăng 836.510 lượt), còn lượt người Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng cao (tăng 916.978 lượt).
Về tình hình phạm tội về trật tự xã hội, toàn quốc xảy ra 3.610 vụ, khám phá hơn 3.000 vụ; bắt giữ, xử lý hơn 5.700 nghi phạm, triệt phá 38 băng, nhóm.
Hà Nội yêu cầu thu thập thông tin ca nhiễm vi rút adeno tối thiểu 3 lần/tuần
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn về việc tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh do vi rút adeno.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do vi rút adeno. Hà Nội đã ghi nhận ca mắc vi rút adeno tại 30/30 quận, huyện và 3 trường hợp tử vong.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút adeno, CDC Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện ca bệnh tại cộng đồng, các phòng khám, bệnh viện tư nhân và tại các cơ sở y tế được phân cấp đóng trên địa bàn.
Tập trung giám sát tại các khoa khám bệnh, khoa nhi, khoa truyền nhiễm tại các bệnh viện, đảm bảo tối thiểu 3 lần/tuần thu thập thông tin ca nhiễm vi rút adeno đến khám và điều trị, xử lý dịch khi ghi nhận các chùm ca bệnh tại cộng đồng, trường học.
Xe ùn ứ tại Tân Thanh, Lạng Sơn - Ảnh: HÀ QUÂN
Chấn chỉnh, xử lý tiêu cực trong hoạt động tại cửa khẩu
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký công điện số 871 chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, gần đây ghi nhận một số đối tượng môi giới trung gian làm thủ tục hành chính để doanh nghiệp, chủ hàng thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu ở hầu hết các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền.
Lý do phương tiện vận chuyển hàng hóa chờ làm thủ tục thông quan ùn ứ số lượng lớn, trọng điểm là cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn và một số cửa khẩu biên giới đất liền phía Bắc, phương tiện ùn ứ có ngày lên đến 5.000 lượt xe container, gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Công điện yêu cầu bộ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ tịch UBND tỉnh thành theo dõi sát diễn biến, kịp thời có giải pháp điều tiết xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, không để xảy ra ùn tắc, "làm luật" với doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm pháp luật.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan rà soát quy trình, thủ tục thông quan tại các cửa khẩu biên giới đất liền, kiểm soát phương tiện vận tải, phân loại hàng hóa, phân luồng, thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động đại lý hải quan; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận