Lưu trữ đám mây (iCloud) không còn xa lạ với người dùng Internet ở Việt Nam
Những dữ liệu trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam
Nghị định 53/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-10 có quy định cụ thể về những dữ liệu trên không gian mạng phải lưu trữ tại Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu tại Việt Nam bao gồm:
Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu;
Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam gồm bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.
Hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định. Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
Thay đổi điều kiện của xe tập lái từ ngày 1-11
Chính phủ đã ban hành nghị định 70/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 2, điều 6 nghị định 65/2016 về xe tập lái tại các cơ sở đào tạo lái xe.
Cụ thể, bổ sung quy định phải có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe. Đồng thời được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái.
Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để vừa sát hạch lái xe, vừa đào tạo lái xe. Nhưng số lượng xe sát hạch dùng để tính lưu lượng đào tạo không được quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị tước giấy phép đã được hoạt động trở lại
Bộ Công Thương cho hay đến nay những đơn vị bị tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã được cấp lại giấy phép để hoạt động.
Các doanh nghiệp bị tước giấy phép sẽ đồng nghĩa với việc không được tiến hành các hoạt động kinh doanh, tước các quyền của thương nhân theo quy định của nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Đổ dầu DO tại cây xăng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đến nay các doanh nghiệp được công bố tước giấy phép trong đợt đầu tiên, chủ yếu nằm ở địa bàn miền Trung, đã được trả lại giấy phép để hoạt động trở lại gồm: Sài Gòn - TNHH MTV, Hòa Khánh, Phúc Lâm, Phúc Lộc Ninh, Vĩnh Long Petro và Xuyên Việt Oil.
Riêng Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát có thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép là 2 tháng, từ ngày 26-7 nên đến nay đã hết thời hạn bị tước phép.
Vẫn còn 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam bị tước giấy phép nhưng đang được tạm dừng áp dụng hình thức này do Bộ Công Thương đánh giá có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động cung ứng xăng dầu của phía Nam trong bối cảnh nguồn cung đang căng thẳng.
"Đêm Việt Nam" ở Bangkok thu hút người Thái
Tại "Đêm Việt Nam" vừa tổ chức ở Bangkok (Thái Lan), các đại biểu, khách mời có dịp thưởng thức những món ăn dân gian đặc trưng Việt Nam như chả cốm ram, nem ốc, xôi xéo thịt xíu, gà hấp lá sen, chè hạt sen long nhãn; cũng như các loại bánh kẹo đặc sản như bánh đậu xanh, bánh chả Hà Nội, kẹo Sìu Châu…
Nghệ nhân, đầu bếp Việt Nam hướng dẫn cách chế biến món ăn truyền thống tại "Đêm Việt Nam" tối 27-9 - Ảnh: M.Q.
Sự kiện giới thiệu, quảng cáo và chào bán tại chỗ các sản phẩm du lịch từ khối Du lịch nước ngoài (Inbound) thuộc Vietravel Holiday đến đối tác, khách hàng thị trường Thái Lan cho mùa cao điểm du lịch từ tháng 10-2022 đến tháng 3-2023 sắp tới.
Hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines cũng chia sẻ kế hoạch mở đường bay mới kết nối TP.HCM, Hà Nội (Việt Nam) đến Bangkok (Thái Lan) giai đoạn mới.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết hoạt động du lịch và vận tải hàng không giữa Việt Nam và Thái Lan có sự phát triển vượt bậc trên cơ sở địa lý gần gũi, văn hóa lịch sử có nhiều nét tương đồng, cũng như phục hồi nhanh sau dịch. Năm 2019, có khoảng 509.800 lượt khách Thái đến Việt Nam.
Tuần lễ "Khám phá hương vị Ý"
Tuần lễ "Khám phá hương vị Ý" được khai mạc hôm nay, ngày 29-9 tại TP.HCM. Đây cũng là sự kiện mở màn cho chuỗi các hoạt động khuyến mãi và trải nghiệm văn hóa ẩm thực Ý tại 12 Trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc.
Thực khách được xem đầu bếp Ý nấu món Ý ở Nha Trang - Ảnh: MINH CHIẾN
Từ nay đến này 12-10, người tiêu dùng có dịp tìm hiểu và mua sắm những nguyên liệu đặc trưng không thể thiếu trong ẩm thực Ý từ dầu ô liu Filippo Berio, mì Barilla Spaghetti, các loại đậu và nấm thương hiệu Annalisa, bánh quy Balocco, bia Peroni.
Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Chính phủ Ý, và là đối tác thương mại lớn nhất của Ý trong khu vực ASEAN.
Việc tăng cường thúc đẩy những hoạt động thương mại kết hợp truyền thông về văn hóa, ẩm thực không chỉ giúp thắt chặt và làm sâu sắc thêm mối quan hệ về kinh tế mà cả về văn hóa xã hội.
Rà soát "cò mồi" khám chữa bệnh tại cơ sở y tế
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) vừa có công văn gửi các đơn vị công an tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn trật tự tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Bệnh viện Bạch Mai diễn tập xử lý tình huống gây rối an ninh trật tự, hành hung nhân viên y tế - Ảnh: BVCC
Cục C06 đề nghị cảnh sát khu vực tăng cường công tác nắm địa bàn, công tác quản lý cư trú tại khu vực bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh.
Rà soát lập danh sách các đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tệ nạn xã hội có khả năng, điều kiện hoạt động tội phạm trong và ngoài bệnh viện để có biện pháp phòng ngừa.
Tập trung chủ yếu vào các đối tượng có hành vi lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, "cò mồi" khám chữa bệnh…
Cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Các đơn vị phối hợp đảm bảo giao thông trước cổng các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận các tin báo đến số điện thoại 113, cũng như nhanh chóng điều động cán bộ đến xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, nhất là đối với hành vi đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhân viên y tế, bác sĩ và cản trở hoạt động khám chữa bệnh.
Bộ Y tế khuyến cáo về phòng chống dịch trong và sau bão, lũ
Theo Bộ Y tế, những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa bão và lũ lụt như tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, đặc biệt là nguy cơ của dịch bệnh COVID-19.
Lực lượng chức năng ra quân lợp lại mái nhà sau bão cho người dân ở khu tái định cư xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam - Ảnh: Huyện Phước Sơn
10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch sau mưa bão và lũ lụt
1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.
2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
3. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
4. Tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.
5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.
7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.
9. Thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Khảo sát hai bệnh viện tại TP.HCM về cơ chế tự chủ và mua sắm đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ tổ chức buổi khảo sát tại hai bệnh viện với hai nội dung là việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP giai đoạn tháng 1-2020 đến tháng 6-2022.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ tổ chức buổi khảo sát tại hai bệnh viện về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế - Ảnh: THU HIẾN
Dự kiến sẽ có 2 buổi khảo sát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) vào chiều 29-9 và Bệnh viện quận 11 vào chiều 30-9.
Giai đoạn hậu COVID-19, ngành y tế TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là thiếu thuốc, vật tư y tế.
Các bệnh viện cho biết là "có" xảy ra tình trạng thiếu thuốc, nhưng tất cả đều cho rằng đây là các vấn đề đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải do sợ sai không dám tổ chức đấu thầu hoặc đấu thầu.
Tiến độ dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và vệ sinh môi trường giai đoạn 2
Dự kiến tuần này Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, chủ đầu tư sẽ họp về tiến độ thực hiện hai dự án trên.
Đối với dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, TP đang chuẩn bị khởi động dự án này sau hơn 20 năm chưa thể khởi công.
Kênh Tham Lương - Ảnh: Tự Trung
Công trình gồm các hạng mục xây bờ kè bê tông và đường dài gần 33km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến; làm mới và sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và một số hạng mục khác.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 8.200 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 6.400 tỉ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 718 tỉ đồng và các khoản phí dự phòng khác.
TP.HCM đã bố trí hơn 1.000 tỉ đồng để khởi công dự án trong năm 2022, tuy nhiên thông tin gần đây nhất dự án mới chỉ được giải ngân 237 triệu đồng.
Dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 của TP.HCM đang lùi tiến độ về đích từ năm 2021 đến năm 2024 vì vướng mắc của nhiều gói thầu mới được giải quyết. TP.HCM đang từng bước tháo gỡ để sớm đưa công trình vào vận hành.
Dự án hoàn thành sẽ cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân, cải tạo, chỉnh trang môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch ở TP. Tổng vốn đầu tư 524 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận