27/10/2022 06:39 GMT+7

Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo sẽ cấm xe qua đường hầm sông Sài Gòn (nối quận 1 và TP Thủ Đức) hai ngày để diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; 1.033 tỉ vượt "trần" bảo hiểm y tế tại TP.HCM xử lý thế nào... là tin đáng chú ý sáng nay.

Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Tình huống giả định xảy ra tại đường hầm sông Sài Gòn từ quận 1 đi TP Thủ Đức năm 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày cuối tuần

Theo đó, kể từ 13h30 - 16h30 ngày 29 và 30-10, lực lượng chức năng phong tỏa, rào chắn cấm xe qua khu vực đường hầm sông Sài Gòn.

Lộ trình thay thế như sau:

Hướng từ quận 1 đến TP Thủ Đức: đường Võ Văn Kiệt - đường song hành Võ Văn Kiệt - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - cầu Thủ Thiêm 2 - Tố Hữu - Mai Chí Thọ.

Hướng từ TP Thủ Đức đến quận 1: Mai Chí Thọ - Tố Hữu - cầu Thủ Thiêm 2 - Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt.

Người dân qua lại khu vực này phải chấp hành theo hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường hoặc theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, điều tiết giao thông.

Việc diễn tập phương án xử lý tình huống chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong đường hầm sông Sài Gòn thường xuyên được tổ chức. Trong buổi diễn tập sẽ đưa ra các tình huống giả định, khẩn cấp có thể xảy ra để các lực lượng phản ứng nhanh xử lý.

TP.HCM hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ môi trường 2020

Dự kiến tuần này Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ họp hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường cho 22 quận huyện và TP Thủ Đức theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Từ đó các địa phương có thể triển khai lại cho người dân, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trên địa bàn mình quản lý.

Luật bảo vệ môi trường 2020 có nhiều điểm mới như đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường: kiểm soát chặt dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường...

Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, nước. Định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Quy định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp. 

Đồng thời, cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên do là luật mới nên nhiều địa phương còn bối rối khi áp dụng.

Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế - Ảnh 2.

Khu chế xuất Tân Thuận tại TP.HCM là mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước, ra đời vào ngày 25-11-1991. Trong ảnh: Khu chế xuất Tân Thuận nhìn từ trên cao - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các khu chế xuất, công nghiệp TP.HCM xuất khẩu 7 tỉ USD mỗi năm

Sáng nay (27-10), Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM tổ chức tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP. Tính đến tháng 9-2022, các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM đã thu hút 1.674 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng 45%. 

Bình quân các khu chế xuất, công nghiệp thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm, chiếm tỉ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Ông Hứa Quốc Hưng - trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - cho biết giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của các khu chế xuất, khu công nghiệp đạt 7 tỉ USD/năm, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Mỗi năm, các khu công nghiệp, chế xuất nộp ngân sách hơn 22.000 tỉ đồng, tương đương 6% thu ngân sách TP (không kể dầu thô). 

Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TP. Theo ông Hưng, định hướng thời gian tới là từng bước chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp TP theo hướng khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. 

Đồng thời, tăng dần tỉ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1ha từ 6,23 triệu USD lên 15 triệu USD vào năm 2025…

Học cử nhân y khoa ở nước ngoài chưa được công nhận bác sĩ ở Việt Nam

Dự thảo nghị định về cấp chứng chỉ hành nghề cho y bác sĩ và giấy phép hành nghề cho cơ sở khám chữa bệnh cho biết văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp,

thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế thì được coi là tương đương với văn bằng bác sĩ, khi đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sĩ.

Tại Việt Nam từng có lúng túng khi cấp chứng chỉ hành nghề cho người học y khoa tại Trung Quốc về nước làm việc những năm trước đây, lý do tại Trung Quốc đào tạo y khoa bậc đại học là 5 năm, trong khi Việt Nam là 6 năm và người học tại Trung Quốc phải học thêm mới được công nhận bằng bác sĩ.

Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế - Ảnh 3.

Khu vực đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Gỡ vướng 1.033 tỉ đồng vượt trần bảo hiểm y tế tại TP.HCM

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thông báo bước đầu về gỡ vướng khoản tiền đang "treo" của các cơ sở khám chữa bệnh tại TP.HCM. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, TP có khoảng 30 cơ sở khám, chữa bệnh vượt mức tổng thanh toán theo quy định với số tiền gần 1.033 tỉ đồng) và hiện đang bị "treo" chưa thanh toán.

Lý do của tình trạng này là quy định về tổng mức thanh toán, áp dụng từ năm 2019 đến nay và được các chuyên gia y tế đánh giá là không phù hợp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này và Bộ Y tế đã thống nhất đề xuất Chính phủ có chính sách đặc thù, thanh toán số vượt mức tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2021 hiện đang bị treo tại TP.HCM như kể trên. 

Theo Bộ Y tế, không chỉ TP.HCM mà hiện bảo hiểm đang "treo" của các cơ sở y tế cả nước khoảng 5.000 tỉ đồng, trong khi dịch vụ y tế là hoàn tất thanh toán ngay sau mỗi ca bệnh nên bệnh viện đang rất khó khăn.

Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế - Ảnh 4.
Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế - Ảnh 5.
Tin sáng 27-10: Cấm xe qua hầm sông Sài Gòn hai ngày để diễn tập; Gỡ vướng 1.033 tỉ bảo hiểm y tế - Ảnh 6.
Cấm xe qua đường hầm sông Sài Gòn 3 đêm liên tục để thử hệ thống chữa cháy Cấm xe qua đường hầm sông Sài Gòn 3 đêm liên tục để thử hệ thống chữa cháy

TTO - Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc điều chỉnh tổ chức giao thông hầm sông Sài Gòn nhằm phục vụ công tác chạy thử liên động toàn hệ thống phòng cháy chữa cháy dự án đầu tư lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động bên trong đường hầm.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp