Trinh sát khám xét, thu giữ tang vật tại kho thuộc quận Bình Tân (TP.HCM) - Ảnh: Công an cung cấp
Xét xử các bị cáo trong đường dây ma túy đặc biệt lớn, 500kg
Sáng nay (26-4), TAND TP.HCM sẽ xét xử vụ vận chuyển trái phép chất ma túy do Huang Zai Wen (quốc tịch Trung Quốc) và 4 đồng phạm thực hiện.
Số ma túy mà đường dây này vận chuyển đặc biệt lớn, hơn 500kg.
Bình Dương khởi công mở rộng quốc lộ 13 nối TP.HCM từ 6 lên 8 làn xe
Trước mắt, sẽ khởi công đoạn quốc lộ 13 từ nút giao đại lộ Tự Do (Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một).
Đây là tuyến giao thông quan trọng bậc nhất của tỉnh, là tuyến huyết mạch kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương và cả Bình Phước với TP.HCM.
Hiện tuyến đường này đang bị nhiều nhà đầu tư phàn nàn vì thường xuyên kẹt xe. Việc khởi công quốc lộ 13 lên 8 làn xe còn "bắt nhịp" với đường vành đai 3 TP.HCM đang được Chính phủ và các địa phương gấp rút chuẩn bị.
Những dự án đường sắt đô thị nào chậm tiến độ?
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 nêu một số dự án quốc gia như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM chậm trễ gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thi công tuyến metro số 1 - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Cụ thể, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 2,5%, vốn đối ứng đạt 2,09%.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2007, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt hơn 48%, vốn đối ứng đạt hơn 39%.
Dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, đến nay lũy kế giải ngân vốn đạt hơn 47% tổng mức đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỉ đồng lên 35.679 tỉ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8-2021 đạt 974 tỉ đồng.
Tỉ lệ học sinh nữ ‘từng say xỉn’ tăng
Báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019" do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức và vừa được công bố cho thấy tỉ lệ học sinh nữ sử dụng rượu bia tăng đáng kể.
WHO công bố báo cáo trên website
Phân tích sự khác biệt trong tỉ lệ sử dụng rượu bia theo giới tính cho thấy: giảm ở nhóm học sinh nam nhưng lại có xu hướng tăng ở học sinh nữ.
Tỉ lệ học sinh nữ đã từng say xỉn gia tăng khá đáng kể, từ 15,3% năm 2013 lên 19,3% năm 2019. Xu hướng gia tăng này cũng xuất hiện ở nhóm học sinh THCS.
Cố gắng kết thúc vụ Việt Á trong quý 2
Theo ông Trần Cẩm Tú - ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương - liên quan vụ án tại Công ty Việt Á, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã thành lập các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thành; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm. "Vi phạm đến đâu xử lý đến đấy, cố gắng kết thúc trong quý 2", ông Tú nói.
Chứng khoán giảm sâu có bất thường?
Chứng khoán giảm sâu hơn 68 điểm, vốn hóa sàn TP.HCM bị "bốc hơi" hơn 270.800 tỉ đồng chỉ trong một phiên 25-4. Tài khoản của nhiều nhà đầu tư "cháy đỏ", lỗ nặng.
Phiên giao dịch chứng khoán tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định gần đây thị trường chứng khoán xảy ra các vụ thanh lọc. Khi các "đội lái" không dám lộng hành, dòng tiền đầu cơ cũng suy giảm.
Tuy nhiên, về dài hạn thì việc thanh lọc sẽ tạo ra một thị trường bền vững hơn, dòng tiền dần dần sẽ được dịch chuyển với một luật chơi mới, cổ phiếu có nền tảng tốt sẽ có môi trường để tăng trưởng.
Khả năng thị trường chứng khoán phục hồi thế nào? Việc giảm giá có bất thường, so với các đợt khác ra sao? Nên hiểu khối ngoại mua ròng thế nào?... sẽ được các chuyên gia, đại diện các công ty chứng khoán chia sẻ trên nhật báo Tuổi Trẻ ra ngày 26-4.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Gỡ vướng khai báo y tế khi nhập cảnh
Dự kiến hôm nay 26-4, đoàn công tác liên bộ (Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an) sẽ làm việc với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tìm giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc ở khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt khâu khai báo y tế điện tử khi nhập cảnh.
Ông Đặng Tuấn Việt - phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an - cho biết tình trạng ùn tắc cũng do khu vực kiểm dịch y tế chật hẹp, dễ dẫn đến quá tải khi nhiều chuyến bay hạ cánh cùng lúc.
Nắng nóng vào đỉnh điểm rồi giảm dần
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong hôm nay, nắng nóng tại Bắc Bộ lên đến 37 độ C, có nơi vượt ngưỡng 39 độ C. Đây là giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm trước khi thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng và cường độ vào ngày 28-4.
Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Cụ thể trong hôm nay, khu vực Bắc Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, có nơi nắng nóng; riêng phía Tây Bắc Bộ ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.
Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng, riêng vùng núi có nắng nóng gay gắt. Các khu vực khác chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ có nơi nắng nóng.
Từ hôm nay tới 3 ngày tới, Trung Bộ và Nam Bộ có chỉ số tia cực tím ở mức gây hại rất cao và có thể đạt tới mức nguy hiểm. Chỉ số này ở Bắc Bộ tăng lên mức rất cao vào hai ngày 26, 27-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận