Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 cần điều trị có xu hướng tăng nhanh nên nhu cầu sử dụng oxy y tế tại các bệnh viện phục vụ điều trị COVID-19 tăng cao. Hiện các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM sử dụng khoảng 170 tấn oxy lỏng/ngày, dự báo trong thời gian tới cần khoảng 350 tấn oxy lỏng/ngày.
Trong khi đó, hiện chỉ có 5 đơn vị có khả năng cung cấp oxy y tế cho TP HCM với lượng oxy lỏng có thể cung cấp khoảng 150 tấn/ngày. Lượng oxy cung cấp cho y tế hiện nay chỉ chiếm tỉ trọng thấp, có nguy cơ cao xảy ra tình trạng thiếu hụt oxy y tế trong thời gian tới.
Sự điều tiết của Bộ Công thương sẽ giúp đảm bảo có nguồn cung ứng oxy y tế cho các cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành xung quanh trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt là địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Người dân quận 12 được nhận hỗ trợ khi đang cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cả nước có gần 7.600 bệnh nhân COVID-19 nặng
Theo Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, tính đến 17h chiều 24-12, trong 1 ngày cả nước ghi nhận 18.634 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh từ đầu vụ dịch lên trên 1,635 triệu ca, gần 1,3 triệu ca đã khỏi bệnh (75,2%).
Số ca tử vong là gần 31.000 (1,9%). Hiện còn 292.622 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 118.067 ca đang theo dõi, điều trị tại 930 bệnh viện (trong đó ca đang điều trị tại bệnh viện có 7.759 ca nặng).
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 11%, số ca khỏi bệnh tăng 2,6%, số ca tử vong giảm 5,8%, số ca đang điều trị giảm 146,6%, số ca nặng giảm 1,6%.
Các địa phương có số ca đang điều trị cao gồm TP.HCM 59.325, Bình Dương 48.733, Hà Nội 19.766, Cà Mau 15.993, Cần Thơ 15.881...
Các địa phương đang có số ca nặng cao gồm TP.HCM 2.598, Đồng Nai 550, Long An 453, An Giang 430, Cần Thơ 423, Bình Dương 422, Bến Tre 340, Tiền Giang 333, Hà Nội 288, Vĩnh Long 281...
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Chủ động chống COVID-19 trong dịp Tết 2022
Trước thềm năm 2022 và Tết Nguyên đán, Tiểu ban truyền thông (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vừa ban hành kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp "Hoàn thành mục tiêu tiêm chủng 2021 và triển khai mũi tiêm tăng cường, cảnh giác trước nguy cơ dịch gia tăng trong dịp lễ, Tết".
Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Y tế chủ động cung cấp thông tin và yêu cầu các địa phương có liên quan cung cấp thông tin về tiến độ tiêm chủng và kế hoạch triển khai mũi tiêm tăng cường đúng đối tượng, trong đó có thông tin cập nhật về tình hình sử dụng các lô vắc xin Pfizer đã được bộ thông báo gia hạn.
Đồng thời, chủ động cung cấp thông tin về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết phù hợp với diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron.
Cung cấp kịp thời thông tin về các địa phương nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, trong thời gian chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch.
Thông tin về việc cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C), đảm bảo cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Thông tin về hướng dẫn tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở, năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải.
Thông tin và hướng dẫn người dân về thuốc điều trị COVID-19, với các kịch bản khi phải điều trị bệnh nhân tại nhà, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền thực hiện hiệu quả nguyên tắc "5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân". Chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đồng thời, thông tin các trường hợp nhập cảnh về thành phố, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Ngày 24-12, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày), nêu rõ:
Người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế, song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không tiếp xúc với cộng đồng, đảm bảo an toàn cho người nhập cảnh ngắn ngày và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng…
Trường hợp sau thời gian làm việc ngắn ngày mà người nhập cảnh tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc phải thực hiện các quy định hiện hành về nhập, xuất cảnh và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 kiểm tra thông tin, điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 24-12 cho biết trong 24 giờ qua ghi nhận 1.834 ca COVID-19, trong đó có 618 ca cộng đồng; 1.123 ca tại khu cách ly và 93 ca tại khu phong tỏa. Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (166); Đống Đa (161); Long Biên (161); Cầu Giấy (119); Sóc Sơn (105); Nam Từ Liêm (101); Thanh Xuân (92); Gia Lâm (90).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29-4-2021) là 35.643 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 12.990 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 22.653 ca.
- Ngày 24-12, Hải Phòng thông tin về tình hình cấp độ dịch COVID-19 của toàn thành phố, trong đó cả thành phố đã ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), 2 huyện An Dương và Cát Hải lên cấp độ 4 (vùng đỏ).
Hải Phòng đã chỉ đạo các xã, phường thuộc vùng đỏ không tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; ngừng vận chuyển hành khách bằng phương tiện đường bộ (trừ xe chở bệnh nhân cấp cứu, xe công vụ); ngừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, cưới, hỏi.
- Trong hai ngày 23 và 24-12, tỉnh Quảng Trị ghi nhận 155 ca COVID-19, trong đó có 107 ca cộng đồng, tăng cao so với những ngày trước. Ổ dịch diễn biến phức tạp nhất hiện nay tại Quảng Trị là ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh với trên 140 ca mắc.
Quảng Trị đã ghi nhận trên 1.700 ca COVID-19, trong đó có 470 người đang điều trị tại cơ sở y tế. Tỉ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 đạt trên 96%, với mũi 2 là trên 73%. Trẻ từ 12 - 17 tiêm mũi 1 đạt trên 38%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận