Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo dữ liệu Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, ngày 24-11 có 77 ca tử vong (Bộ Y tế công bố 66 ca). Đây cũng là ngày có số tử vong cao nhất kể từ ngày 10-10 (82 ca).
Không chỉ TP.HCM, số ca mắc ngày 24-11 của cả nước (11.811 ca mới) cũng là cao nhất tính từ giữa tháng 10 trở lại đây. Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Thuận... là các tỉnh thành có số mắc mới tăng nhanh và đang gặp áp lực cung cấp dịch vụ y tế.
Tây Ninh đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị chi viện 100 bác sĩ (trong đó có 20 bác sĩ hồi sức cấp cứu), 250 điều dưỡng và một số thuốc điều trị, thiết bị y tế.
Bộ Y tế cũng cho biết mạng lưới phân phối bình oxy y tế với 190 nhà cung ứng có mặt ở 55 tỉnh thành. Tuy nhiên cơ sở cung ứng bình khí oxy thiếu nhiều ở các tỉnh khu vực Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi tập trung nhiều ở các tỉnh thành lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…
Hiện các cơ sở sản xuất, cung ứng oxy tạm thời cung ứng đủ oxy y tế. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát mạnh thì sẽ thiếu, các địa phương cần có các kế hoạch ứng phó cần thiết, đặc biệt chuẩn bị trước khả năng để chuyển từ sản xuất oxy công nghiệp sang oxy y tế.
Người dân quận 12 được nhận hỗ trợ khi đang cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng nay 25-11 sẽ diễn ra Hội nghị tập huấn trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 với sự tham gia của 700 điểm cầu. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì.
Nội dung chính là sơ kết công tác điều trị COVID-19 năm 2021; chia sẻ kinh nghiệm đáp ứng tình hình dịch một số đơn vị và bảo đảm công tác khám, chữa bệnh thường quy trong tình hình dịch COVID-19 vừa qua.
Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết đã có 5 công ty dược trong nước nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thuốc kháng virus điều trị COVID-19.
Thuốc này đã được sử dụng trong chương trình điều trị có kiểm soát từ tháng 8 vừa qua, đến nay mở rộng sử dụng tại hơn 30 tỉnh thành và có tác dụng đáng kể nếu được sử dụng sớm cho bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân ít triệu chứng.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Dự kiến giảm 10-50% của 35 khoản phí, lệ phí để giảm khó khăn do dịch COVID-19
Bộ Tài chính vừa có dự thảo lấy ý kiến việc giảm mức phí từ 10-50% của 35 khoản phí, lệ phí từ 1-1 đến hết tháng 6-2022 để giảm khó khăn do dịch COVID-19. Các khoản phí, lệ phí dự kiến sẽ được giảm trong dịch vụ chứng khoán, du lịch và lữ hành quốc tế, giao thông vận tải...
TP.HCM đã có hướng dẫn tiêu chí an toàn COVID-19 để mở lại hoạt động du lịch. Theo đó yêu cầu 100% người làm việc tại các bộ phận tiếp xúc với khách du lịch và người ngoài doanh nghiệp, khách tham quan phải đảm bảo có mã QR xanh trên ứng dụng "Y tế HCM".
Hoặc xuất trình giấy tờ: Là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm), hoặc có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.
Người làm việc tại các bộ phận còn lại của doanh nghiệp đã tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm vắc xin khuyến khích làm việc trực tuyến hoặc bố trí nơi làm việc riêng biệt, doanh nghiệp cũng phải tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người lao động.
Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nguy cơ bùng phát dịch nhiều dịch bệnh mùa đông xuân
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022 khi gần đây đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch COVID-19.
Điều kiện khí hậu đông xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Để chủ động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm hiệu quả, không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm nghị quyết 128. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Đối với các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà cần khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng, đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin cho người dân, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời.
Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.
Đồng thời đảm bảo về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tình hình dịch bệnh các tỉnh thành
- Hà Nội tối 24-11 ghi nhận thêm 285 ca COVID-19 trong đó có 159 ca cộng đồng, 115 ca trong khu cách ly và 11 ca khu phong tỏa. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 8.547 ca, trong đó số ca cộng đồng 3.204 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 5.343 ca.
- Trong ngày 23 và sáng 24-11, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 11 ca dương tính cộng đồng. Tính đến ngày 23-11, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 84 ca COVID-19; 71,87% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19; tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi là 43,07% .
- Lạng Sơn trong hai ngày (22 và 23-11) ghi nhận 51 ca COVID-19, trong đó có 35 ca COVID-19 trong cộng đồng; nâng tổng số ca COVID-19 trên địa bàn từ đầu năm đến ngày 23-11 lên 390 ca.
- Ngày 24-11, Lào Cai ghi nhận thêm 1 ca mới là lái xe Công ty Coca - Cola lái xe tải chở hàng từ Phủ Lý (Hà Nam) đi Hà Giang. Như vậy tính đến 18h ngày 24-11, Lào Cai có tổng cộng 168 ca COVID-19.
- Hòa Bình ngày 23-11 ghi nhận thêm 35 ca dương tính. Có 513.399 người đã được tiêm vắc xin, trong đó mũi 1 là 124.424 người, đã tiêm đủ 2 mũi là 388.975 người.
- Nam Định đến 17h ngày 23-11 ghi nhận 1.184 ca mắc (236 ca tại cộng đồng, 948 ca trong khu cách ly, phong tỏa). Tỉnh đang cách ly, điều trị 670 ca tại các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố.
- Thái Bình ngày 24-11 ghi nhận 45 ca COVID-19, trong đó có 4 ca cộng đồng, 41 ca phát hiện trong các khu cách ly y tế. Đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 trong vòng 2 tuần qua (từ ngày 10-11 đến nay), tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 946 ca bệnh.
- Thanh Hóa ngày 24-11, trên địa bàn ghi nhận 98 ca mới, trong đó có 54 ca lây nhiễm trong tỉnh và 44 người trở về từ các tỉnh, thành phố khác. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh ghi nhận 2.074 ca COVID-19, trong đó có 12 ca tử vong. Đến nay, tỉnh đã tiêm được hơn 2,3 triệu liều vắc xin COVID-19.
- Hà Tĩnh từ 18h ngày 23-11 đến 18h ngày 24-11 ghi nhận 33 ca mới, trong đó có 11 ca cộng đồng, 16 ca đã được cách ly trước đó và 6 ca nhập cảnh từ Lào.
- Quảng Trị đến 22h ngày 23-11, tỉnh đang điều trị cho 276 ca F0. Số người tiêm 1 mũi vắc xin là 413.938 và tiêm 2 mũi vắc xin là 228.489.
- Đà Nẵng tính từ 13h ngày 23-11 đến 13h ngày 24-11 ghi nhận 60 ca COVID-19; trong đó có 24 ca cộng đồng. Tính từ ngày 16-10, thành phố ghi nhận 660 ca COVID-19, trong đó có 77 ca về từ ngoại tỉnh. Đà Nẵng đã tiêm được 1.588.853 liều vắc xin.
- Phú Yên từ ngày 11-10 đến 23-11 ghi nhận 510 ca dương tính trong đó có 315 người trở về từ vùng dịch; lũy kế đến 19h ngày 23-11, Phú Yên ghi nhận 3.564 ca COVID-19, có 36 người tử vong.
- Bình Phước trong tuần từ 16-23-11, trên địa bàn ghi nhận thêm 1.622 ca mắc mới, tăng 428 ca so với tuần trước, nâng tổng số ca mắc lên gần 5.300 ca. Riêng ngày 23-11, Bình Phước ghi nhận 509 ca mắc. Đây là số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước đến nay.
- Hậu Giang từ 18h ngày 22-11 đến 18h ngày 23-11-2021 ghi nhận 195 ca COVID-19 mới, trong đó có 131 ca cộng đồng. Toàn tỉnh đã ghi nhận 3.942 ca dương tính, trong đó có 1.619 ca cộng đồng.
- Bến Tre từ 18h ngày 23-11 đến 6h ngày 24-11 ghi nhận thêm 240 ca dương tính, nâng tổng số ca COVID-19 trên toàn tỉnh là 5.324 ca; trong đó có 60 ca tử vong. Tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 và tiêm mũi 2 đạt 61,34% dân số (với 601.506 người).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận