Phối cảnh cầu Nhơn Trạch - Ảnh: BQL
Khởi công cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) cho biết sẽ khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch của đường vành đai 3 vào sáng nay 24-9.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án 1A có hai gói thầu xây dựng gồm cầu Nhơn Trạch và đường. Cầu Nhơn Trạch sẽ xây dựng trong thời gian 35 tháng và phần đường thi công 30 tháng.
Toàn dự án hiện đã bàn giao mặt bằng đoạn tuyến dài 2,8km. Riêng TP.HCM có 1,9km qua địa bàn và đã bàn giao được 1,7km. Tỉnh Đồng Nai có đoạn tuyến đi qua dài trên 6,3km nhưng mới bàn giao khoảng 1,1km. Ban quản lý kiến nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đặc biệt là khu vực mặt bằng giáp sông Đồng Nai để thi công cầu.
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) dài hơn 8km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP Thủ Đức.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6,9 ngàn tỉ đồng, gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Bộ Y tế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV. Kỳ họp khai mạc vào ngày 20-10 và dự kiến bế mạc vào ngày 18-11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung hai dự thảo nghị quyết trình xem xét thông qua theo quy trình tại kỳ họp.
Bao gồm nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Các đại biểu Quốc hội cũng được đề nghị sớm gửi phiếu chất vấn đến tổng thư ký Quốc hội để chuyển đến người có trách nhiệm trả lời và tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đề xuất vấn đề nóng để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 4.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 4 này sẽ xem xét bầu tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Bộ Y tế.
Chế biến tôm trước khi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tôm sang Mỹ giảm nhưng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 8-2022, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 398 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 24%.
8 tháng đầu năm, trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Anh giảm, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm tỉ trọng 20%.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm chân trắng chiếm 75%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. Xuất khẩu tôm biển tăng mạnh nhất 78%, tôm chân trắng và tôm sú tăng lần lượt 21% và 11%. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao hơn các sản phẩm tôm tươi và đông lạnh.
Theo Vasep, mặc dù ghi nhận tăng trưởng nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam tính tới tháng 8 năm nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, cước phí vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chững lại do lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm.
Việt Nam là thị trường nổi bật thu hút doanh nghiệp bán lẻ
Ngày 23-9, ông Nick Bradstreet, giám đốc bán lẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills, cho biết các nhà bán lẻ quốc tế đang tìm kiếm thị trường Đông Nam Á, sau khi các thị trường Trung Quốc, Hong Kong, Macau vẫn áp dụng chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ phòng COVID-19.
Ông Nick Bradstreet đánh giá Việt Nam và Thái Lan đang là hai thị trường nổi bật tại Đông Nam Á, tuy nhiên ngành bán lẻ của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh, làm sụt giảm doanh thu bán lẻ đối với khách quốc tế.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ và ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Theo ông Nick Bradstreet, ngành bán lẻ quốc nội đang dần bắt kịp với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn tiền COVID-19 và nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng tốt là những tín hiệu tích cực thu hút các thương hiệu bán lẻ tìm hiểu.
"Thị trường Việt Nam đang có lợi thế để bật cao hơn so với những thị trường lớn trong Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan. Từ các hãng bình dân đến những nhãn hàng cao cấp đều đã có 5-6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok. Trong khi đó, các thương hiệu này chỉ mới mở khoảng 1-2 cửa hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Đây chính là cơ hội cho các nhãn hãng, thương hiệu đến Việt Nam mở rộng thị trường", ông Nick Bradstreet nói. Vị chuyên gia của Savills cho hay thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam trong năm 2022 tăng 34% theo năm và sẽ tiếp tục tăng trưởng 4% mỗi năm tới năm 2025.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình giải thích quyết định 08 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (gói 6.600 tỉ đồng) thời điểm mới triển khai chính sách - Ảnh: HÀ QUÂN
TP.HCM: Gần 1.000 tỉ đồng hỗ trợ 1,63 triệu lao động thuê nhà
"Tính đến ngày 21-9, các quận huyện và TP Thủ Đức đã phê duyệt 68.712 lượt hồ sơ doanh nghiệp với hơn 1,67 triệu lượt người lao động, tổng số tiền hỗ trợ hơn 976,6 tỉ đồng, đạt 100% hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ".
Bà Lê Thanh Trúc - trưởng phòng lao động việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết tại hội nghị tổng kết thực hiện quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chiều 23-9.
Về tình hình thực hiện chi kinh phí hỗ trợ, bà Trúc cho hay kho bạc các quận, huyện đã chuyển kinh phí đến 63.725 lượt doanh nghiệp cho hơn 1,63 triệu lao động, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 953,2 tỉ đồng, đạt 97,6% so với phê duyệt.
Trong đó, nhiều địa phương đã giải ngân đạt 100% số tiền chi hỗ trợ cho người lao động như: các quận 3, 4, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ… Còn một số địa phương chưa hoàn thành chi hỗ trợ cho người lao động nhưng cũng đạt ít nhất trên 91% - 99,89%.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm - phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân số tiền còn lại (khoảng 2,6%) chưa đến tay người lao động phần lớn là lỗi kỹ thuật như doanh nghiệp cung cấp số tài khoản không đúng, thông tin chủ tài khoản không chính xác với tên đơn vị thụ hưởng, một số doanh nghiệp gửi không đúng cơ quan tiếp nhận hay thay đổi địa điểm hoạt động, gửi hồ sơ lên hệ thống nhưng không cung cấp hồ sơ giấy đến UBND.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận