Các y bác sĩ tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Chính phủ thống nhất báo cáo giảm tiền thuê đất với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký nghị quyết 125 của Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó Chính phủ thống nhất dự thảo báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu báo cáo. Đồng thời bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu…
Trước đó Chính phủ đã ban hành nghị quyết 11 ngày 30-1-2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết quy định giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Chuỗi sự kiện mở đầu Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022
Chiều 22-9, tại Hà Nội, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam 2022 bắt đầu bằng chuỗi sự kiện hội thảo về các chủ đề gồm: "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực AI" và "Tự động hóa trong sản xuất".
Tại chủ đề "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", ông Phạm Quang Vinh - giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel - cho biết báo cáo gần nhất của Accenture cho thấy, hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng có đang thử nghiệm AI.
Phiên thảo luận với chủ đề "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 - Ảnh: VGP
Doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng đều tìm đến AI với phong thái thăm dò, thử nghiệm trong đó, chỉ 12% sử dụng ở mức độ trưởng thành (ứng dụng bề mặt). Đặc biệt, các công ty này đã có mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI. AI sẽ trở thành phương thức chính thức để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng.
Phiên hội thảo "Nguồn nhân lực phát triển trí tuệ nhân tạo" - một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo".
Tại phiên hội thảo về "Tự động hóa trong sản xuất", tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, phó tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam, khẳng định muốn có một nền kinh tế số phải có nhà máy thông minh và các doanh nghiệp số.
Tự động hóa được chia thành 7 cấp độ. Phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở mức độ tự động hóa 3-4-5, tức là tự động hóa một phần. Việc ứng dụng công nghệ mới như AI cũng là thách thức lớn. Trong kỷ nguyên số, mô hình doanh nghiệp truyền thống sẽ bị xóa bỏ và thay thế bằng mô hình chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp.
Việt Nam xếp thứ 63 bảng xếp hạng 113 nền kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo Chỉ số Toàn cầu về hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số, được công bố như là một phần của báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2022, Singapore có môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp tốt nhất thế giới.
Chắp cánh Khởi nghiệp xanh - một cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức
Hoa Kỳ đứng thứ hai, Thụy Điển đứng thứ ba và Việt Nam đứng ở vị trí 63 trong số 113 nền kinh tế trong danh sách.
Kết quả này cũng cho thấy mặc dù môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, vẫn còn rất nhiều điểm cần được cải thiện.
Chỉ số Toàn cầu về hệ thống khởi nghiệp kỹ thuật số đo lường chất lượng của môi trường dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số bằng cách xem xét mức độ số hóa trên tám phương diện: văn hóa, thể chế, điều kiện thị trường, hạ tầng, vốn con người, tri thức, tài chính và mạng lưới.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, khởi nghiệp kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch COVID-19 và có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong thế giới sau đại dịch.
Bao bì cho thương mại điện tử có thể đạt 60 tỉ USD vào năm 2026
Nền tảng thương mại toàn cầu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) Alibaba cho biết nhu cầu về bao bì của các thương hiệu vừa và nhỏ đã tạo ra các yêu cầu mới về bao bì cần phải thông minh, tiện lợi hơn.
Thị trường in ấn, bao bì Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu - Ảnh: T.T.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường này rất tiềm năng. Từ dữ liệu của nền tảng này cho thấy nhu cầu của khách hàng tập trung vào các mặt hàng như thùng cac tông, chai thủy tinh, túi nhựa, túi giấy, bao bì vận chuyển,… với yêu cầu rất cao về khả năng đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xem xét điều chỉnh tên gọi hồ sơ đề nghị công nhận quần thể Yên Tử là di sản thế giới
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tiếp thu ý kiến, thống nhất với các địa phương để quyết định việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh hút khách trong dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022 - Ảnh: VIỆT ANH
Văn bản nêu rõ, sau khi xem xét đề nghị về việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) đệ trình UNESCO là di sản thế giới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các địa phương để quyết định việc bổ sung, điều chỉnh tên gọi của hồ sơ khoa học đề cử di sản thế giới phù hợp với phạm vi, ranh giới và tiêu chí đề cử; chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan kịp thời thông báo việc điều chỉnh này tới UNESCO theo quy định.
Khôi phục tuyến buýt chợ Bến Thành đi khu du lịch Đại Nam
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết vừa khôi phục tuyến buýt 61-6 (Bến Thành - khu du lịch Đại Nam). Trước đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cũng đã đề xuất khôi phục tuyến buýt này để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Bản đồ lộ trình xe buýt tuyến 61-6 tại TP HCM
Theo đó, tuyến 61-6 có quãng đường khoảng 39km, thời gian hoạt động từ 5h45 - 18h hằng ngày. Lộ trình tuyến cụ thể:
Lượt đi từ bến xe buýt Sài Gòn - đường Phạm Ngũ Lão - Yersin - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Nhánh S2 - Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Lê Hồng Phong - Cách Mạng Tháng Tám - đường 30 Tháng 4 - đại lộ Bình Dương - khu du lịch Đại Nam.
Lượt về từ khu du lịch Đại Nam - đại lộ Bình Dương - đường 30 Tháng 4 - Cách Mạng Tháng Tám - Lê Hồng Phong - quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng - đường Hàm Nghi - Lê Lai - bến xe buýt Sài Gòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận