23/02/2022 07:30 GMT+7

Tin sáng 23-2: Sàng lọc ngẫu nhiên phát hiện 76% mắc Omicron, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN

TTO - Theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP.HCM từ ngày 10 đến 17-2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%.

Tin sáng 23-2: Sàng lọc ngẫu nhiên phát hiện 76% mắc Omicron, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 14 (Q.Tân Phú) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo thống kê của CDC TP.HCM, ngày 22-2 số ca mắc mới tại TP.HCM được ghi nhận là 1.356 ca. Như vậy tổng số ca COVID-19 cộng dồn tại TP là 521.754 người. Số ca nhập viện trong ngày là 334 người, số ca xuất viện là 140 người, số ca tử vong là 1 người.

CDC TP.HCM cũng cho biết đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để giám sát sự lưu hành biến chủng Omicron trong cộng đồng. Kết quả ghi nhận từ ngày 10 đến 17-2, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại TP.HCM) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thì có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron, chiếm tỉ lệ 76%.

Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để thực hiện giải trình tự gene thì đã xác định 100% là biến chủng Omicron. Như vậy Omicron đang là biến chủng gây bệnh chủ yếu tại TP. Điều này phù hợp với tình hình dịch bệnh đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Trước tình hình biến chủng Omiron lây lan tại cộng đồng, TP.HCM cho biết đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2. Chiến dịch này sẽ kết thúc vào ngày 28-2.

Trong giai đoạn 2 này, TP đã tiêm được mũi 1 thêm cho hơn 6.000 người, mũi 2 cho hơn 26.000 người và mũi bổ sung/nhắc lại cho hơn 85.000 người. Để tăng cường miễn dịch trước biến chủng Omicron thì tiêm chủng là biện pháp cực kỳ quan trọng.

Do đó, các quận huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức, mời gọi người dân ra tiêm chủng. Người dân cần chủ động liên hệ địa phương để được tiêm chủng khi tới lượt.

Tin sáng 23-2: Sàng lọc ngẫu nhiên phát hiện 76% mắc Omicron, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cần chú ý trẻ em thừa cân béo phì

Theo CDC TP.HCM, bên cạnh tiêm chủng, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó lưu ý, người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm cả trẻ em có tình trạng béo phì và cập nhật quy trình xử lý F0 phù hợp với tình hình mới.

Để làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh thì mỗi người cần lưu ý thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K. Mỗi người cần lưu ý hạn chế việc tập trung đông người trong những không gian kín.

Khi có triệu chứng bệnh cần tự cách ly ngay. Nếu xét nghiệm dương tính, khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Về ứng phó với tình hình COVID-19 ở trẻ em, Sở Y tế TP.HCM cũng đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia chuyên ngành nhi khoa về tổ chức, thu dung điều trị khi số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng. Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi số ca mắc gia tăng.

Ngành y tế đang chuẩn bị triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình dịch COVID-19 ở trẻ em. Tập huấn cho hệ thống y tế việc thu dung, chăm sóc, điều trị trẻ mắc COVID-19 ở các mức độ từ nhẹ đến nặng. 

Tập huấn cho giáo viên quy trình xử trí F0, xử trí các dấu hiệu bệnh COVID-19, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng. Chuẩn bị sẵn sàng việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi khi có hướng dẫn từ Bộ Y tế.

Tin sáng 23-2: Sàng lọc ngẫu nhiên phát hiện 76% mắc Omicron, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao - Ảnh 3.

Xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Số ca mắc mới tăng cao ở trẻ em TP.HCM

Cũng trong tuần lễ vừa qua, TP đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới ở trẻ em tăng cao, đặc biệt ở các em mới đi học lại.

Cụ thể, tuần lễ từ ngày 7 đến 13-2, TP ghi nhận gần 500 trường hợp học sinh mắc COVID-19 tại 117 trường. Trong tuần gần nhất, TP ghi nhận tổng cộng hơn 6.000 trường hợp tại 201 trường.

Sở Y tế cho biết đơn vị sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung, điều trị theo từng kịch bản khi trẻ em mắc COVID-19 gia tăng.

Thời điểm hiện tại, 3 bệnh viện nhi của thành phố có sức chứa 450 giường, 150 giường hồi sức hô hấp. Ngành y tế sẽ thực hiện phân tầng điều trị và hướng dẫn cụ thể các trường hợp cần chăm sóc tại nhà.

Sở Y tế TP cùng nhóm chuyên gia cũng cung cấp số điện thoại tư vấn từ xa tại 3 bệnh viện nhi nhằm tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời cho giáo viên và phụ huynh. Các trung tâm y tế, trạm y tế được hướng dẫn cách chăm sóc, xử trí khi phát hiện ca mắc COVID-19 là trẻ em.

Theo ngành y tế TP, nếu mỗi ngày hơn 100 trẻ em mắc COVID-19 và có triệu chứng nặng, cần phải can thiệp hô hấp thì Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP.HCM xem xét dừng việc dạy học trực tiếp.

Tin sáng 23-2: Sàng lọc ngẫu nhiên phát hiện 76% mắc Omicron, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao - Ảnh 4.

Cán bộ y tế hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà - Ảnh: HÀ QUÂN

Cả nước có 78,86% học sinh đi học trực tiếp

Đây là thống kê từ Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến 17h ngày 22-2. 

Cụ thể, bậc mầm non có 50 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 13 tỉnh, thành phố hiện dừng dạy học trực tiếp do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại địa phương, gồm Hà Nội, Đà Nẵng (tổ chức cho đi học tại 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ 21-2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 24-2), Bạc Liêu (trẻ 5 tuổi tổ chức cho đi học từ ngày 21-2, trẻ dưới 5 tuổi tổ chức từ ngày 28-2), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên. Tỉnh Đắk Lắk có thành phố Buôn Ma Thuột dừng dạy học trực tiếp.

Bậc tiểu học có 52 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 11 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (thành phố Buôn Ma Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Quảng Ninh.

Bậc THCS có 59 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 4 tỉnh, thành phố dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp: Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội (khối lớp 6 của 12 quận nội thành).

Bậc THPT có 62 tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy học trực tiếp; 1 tỉnh (Lào Cai) dừng dạy học trực tiếp do dịch diễn biến phức tạp.

Tin sáng 23-2: Sàng lọc ngẫu nhiên phát hiện 76% mắc Omicron, số trẻ mắc COVID-19 tăng cao - Ảnh 5.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh Thanh Hóa - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội, ngày 22-2 ghi nhận thêm 6.860 ca COVID-19, trong đó có 1.977 ca tại cộng đồng và 4.883 ca đã cách ly. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 435 ca; Hoàng Mai 423 ca; Nam Từ Liêm 393 ca; Sóc Sơn 377 ca; Bắc Từ Liêm 329 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội đến nay là 213.855 ca.

Hà Nội đang quản lý, điều trị hơn 78.000 ca F0, trong đó chủ yếu bệnh nhân ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị ở tầng 1 (hơn 95%), 3,37% đang điều trị ở tầng 2 và chỉ có 0,79% đang điều trị ở tầng 3. Thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc xin cho hơn 115.000 người có nguy cơ cao không thể tới các điểm tiêm chủng, hiện chỉ còn 121 người chưa được tiêm. 

- Đến hết ngày 22-2, Đắk Lắk vẫn là tỉnh có số F0 được phát hiện nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên. Từ chiều 21 đến hết ngày 22-2 ghi nhận số ca COVID-19 mới kỷ lục kể từ đầu mùa dịch đến nay với 1.264 ca. Trong đó có 961 ca cộng đồng, 294 ca cách ly tại nhà, 1 ca cách ly tập trung, 8 ca sàng lọc. Đến nay toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 24.469 ca COVID-19. Hiện đang điều trị 6.779 ca, đã khỏi bệnh, xuất viện 17.584, đang cách ly tại nhà. 

Kon Tum, ca COVID-19 mới được công bố ngày 22-2 là 189 ca. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện ở tỉnh này là 5.828 bệnh nhân. Trong đó, đang điều trị 2.433 ca, đã khỏi, xuất viện 3.395 ca. Sở Y tế Kon Tum đã ban hành sổ tay hướng dẫn điều trị F0 tại nhà đến tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. 

- Lâm Đồng yêu cầu phải tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên đạt 100% ngay trong tháng 2-2022.  Ai không đồng ý tiêm yêu cầu ký bản cam kết chịu trách nhiệm khi mắc bệnh COVID-19. Tính từ ngày 21 đến 22-2, tỉnh ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục kể từ đầu mùa dịch đến nay khi chỉ trong 24 giờ đã phát hiện 629 ca COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện tại Lâm Đồng là 24.368 ca. 

- Thái Nguyên xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới năm 2022 với các mục tiêu: Đến hết quý 1 cơ bản hoàn thành bao phủ vắc xin mũi 3 cho người đủ điều kiện, tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

100% các huyện thị có cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tối thiểu 50 giường, bố trí các cơ sở lưu trú để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. 

100% bệnh viện đa khoa/trung tâm y tế tuyến huyện có hệ thống oxy hoặc bình oxy đáp ứng đủ yêu cầu điều trị và máy thở oxy thông thường; 100% các xã, phường, thị trấn có các trạm y tế lưu động với đầy đủ trang thiết bị theo quy định.

- Tỉnh Bắc Ninh đã triển khai tiêm trên 3,16 triệu liều vắc xin, bao gồm gần 1,25 triệu mũi 1, trên 1,19 triệu mũi 2 và mũi 3 là 716.800 mũi. Hiện Bắc Ninh có 24 xã phường ở cấp độ 1 của dịch; 24 xã phường ở cấp độ 2; 74 xã phường cấp độ 3; 4 xã phường ở cấp độ 4. 

- Tỉnh Phú Thọ cho biết trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân từ ngày 29-1 đến 20-2, tỉnh đã tổ chức tiêm chủng cho trên 421.670 người từ 18 tuổi, tiêm mũi bổ sung/nhắc lại vắc xin COVID-19 (mũi 3). Đến nay có 123.397 (96,7%) trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm đủ hai mũi vắc xin.

- Tại Bắc Giang, ngày 22-2 có 733 ca mắc điều trị khỏi. Hiện có 23.960 ca đang điều trị, trong đó có 22.295 cách ly, điều trị tại nhà (chiếm 93,1%), 12 ca nặng, 68 ca mức độ vừa, 6.717 ca mức độ nhẹ và 17.256 ca mắc không triệu chứng. 

Về tiêm vắc xin COVID-19: tỉnh Bắc Giang đã tiêm 3,98 triệu mũi (gần 1,44 triệu mũi 1, mũi 2 cũng gần 1,44 triệu và mũi 3 trên 1,1 triệu, đạt tỉ lệ 86,5% người dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn tỉnh).

Tin COVID-19 chiều 22-2: Số nhiễm mới vọt lên 55.879 ca, Hà Nội 6.860 ca, TP.HCM 1.352 ca Tin COVID-19 chiều 22-2: Số nhiễm mới vọt lên 55.879 ca, Hà Nội 6.860 ca, TP.HCM 1.352 ca

TTO - Bản tin COVID-19 chiều 22-2 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 mới đã tăng vọt trong 24 giờ qua với 55.879 ca mắc mới, trong đó Hà Nội 6.860 ca, nhiều tỉnh thành 1.000 - 2.000 ca, trong đó TP.HCM cũng tăng lại lên 1.352 ca.

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp