17/08/2022 06:52 GMT+7

Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Thủ tướng phân công các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công 2022; Giữ ổn định giá điện, không để thiếu than cho điện; Một công ty ở TP.HCM nhập lậu hàng ngàn hộp thuốc điều trị ung thư... là những tin đáng chú ý sáng nay.

Ban Chỉ đạo trung ương họp phiên thứ 22 về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo chương trình, sáng 17-8, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ họp phiên thứ 22 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban Chỉ đạo.

Phiên họp dự kiến sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng và xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Ban Nội chính trung ương sẽ tổ chức buổi làm việc với các cơ quan báo chí để thông tin về kết quả phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo.

Phân công 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16-8-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân công các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan, địa phương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao 6 tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31-7-2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).

Các tổ trưởng tổ công tác sắp xếp thời gian để tập trung cho việc này từ nay đến cuối tháng 8-2022, phải lựa chọn đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương thuộc tổ công tác của mình và có hình thức kiểm tra phù hợp với các bộ, cơ quan, địa phương còn lại; xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở và chỉ đạo trực tiếp giải quyết các vướng mắc cũng như tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thời gian thực hiện kiểm tra, đôn đốc: Từ ngày 20-8-2022 đến hết ngày 30-8-2022.

Giữ ổn định giá điện, không để thiếu than cho điện

Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện - Ảnh 1.

Công nhân điện lực sửa chữa đường dây điện trên đường Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

EVN cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát và tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện. Đó là yêu cầu được Bộ Công thương nêu ra trên cơ sở chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái - trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về phương án giá điện năm 2022.

Hồi giữa năm, EVN đã có báo cáo về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, không bao gồm các khoản chênh lệch tỉ giá hợp đồng mua bán điện từ năm 2019 - 2021, là 1.915,59 đồng/kWh, tăng 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Tuy nhiên sau đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 2-2022, sau khi cập nhật các thông số đầu vào của quý 1-2022, như tỉ giá, giá nhiên liệu và các khoản chênh lệch tỉ giá, thì phương án giá điện tăng tới trên 12% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành. Phương án này đang được các bên liên quan thẩm định, báo cáo Phó thủ tướng.

Bộ Công thương cũng đề nghị Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong các tháng còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Khảo sát 2.000 doanh nghiệp, 100% nợ đọng xây dựng

Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC), cho biết kết quả khảo sát khoảng 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước do VACC thực hiện trong 6 tháng đầu năm cho thấy 100% doanh nghiệp có nợ đọng, tùy quy mô, ít thì 30-50 tỉ đồng, số nợ trên 1.000 tỉ đồng vô cùng nhiều.

Ví dụ như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỉ đồng nhưng tính đến 31-3-2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỉ đồng; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỉ đồng, đang bị nợ 1.900 tỉ đồng.

Cũng theo khảo sát của VACC, trong số 2.000 doanh nghiệp xây dựng được khảo sát, có tới 90% có quy mô vốn dưới 100 tỉ đồng, số doanh nghiệp có quy mô vốn trên 1.000 tỉ đồng rất ít, đa số các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng khoảng 20-25% giá trị khối lượng cuối của dự án. Cá biệt, có những dự án đã đưa vào sử dụng vài năm nhưng nhà thầu vẫn chưa quyết toán được.

Tình trạng này không chỉ xảy ra tại dự án vốn ngân sách mà còn cả vốn tư nhân, tại các công trình có chủ đầu tư năng lực tài chính yếu, muốn lợi dụng dòng vốn của người khác. Trong khi đó, đa số nhà thầu, chủ đầu tư đều không muốn đưa các vụ việc ra tòa hoặc trọng tài kinh tế để giải quyết, tránh phức tạp thêm vấn đề hoặc bị mang tiếng.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt VACC kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, sở kế hoạch và đầu tư các địa phương công khai danh sách các chủ đầu tư nợ đọng xây dựng. Về lâu dài, Chính phủ nên giao các bộ Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính… nghiên cứu về cơ chế bảo lãnh thanh toán đối với các công trình xây dựng để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng đang khiến hàng ngàn nhà thầu lao đao hiện nay.

Nhiều tỉnh thành ghi nhận biến thể phụ BA.5

Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện - Ảnh 3.

Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca mắc biến thể BA.5 của Omicron - Ảnh minh họa: REUTERS

Mới nhất là tỉnh Bình Dương với 6 ca. Những ngày trước, Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương và nhiều địa phương khác cũng ghi nhận ca mắc biến thể này.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xuất hiện tại 4 huyện, thị xã trong tỉnh với tổng số ca được ghi nhận là 6. Ngoài ra, các biến thể phụ khác gồm BA.1, BA.2, BA.4 cũng xâm nhập trong cộng đồng và đã ghi nhận 15 ca mới.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể phụ BA.2.75 của Omicron. Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng BA.2.75, ngoài biến chủng BA.4, BA.5, BA.2.12.1 đã phát hiện trước đó.

Phát hiện một công ty ở TP.HCM nhập hàng ngàn hộp thuốc điều trị ung thư trái phép

Ngày 16-8, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH phân phối Liên hợp Đông Dương (127 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM) vì đã nhập khẩu 2 lô thuốc Capetero 500 (tương ứng 3.042 hộp thuốc) có chứa hoạt chất capecitabine - thuộc danh mục thuốc độc - nhưng không có giấy phép nhập khẩu.

2 lô này có số đăng ký VN2-305-14, số lô CAH221625B và CAH221626B.

Với vi phạm trên, Công ty TNHH phân phối Liên hợp Đông Dương bị phạt 160 triệu đồng, đồng thời tước chứng chỉ hành nghề dược 9 tháng đối với bà Nguyễn Thị Hồng Vân (người chịu trách nhiệm chuyên môn). Công ty cũng bị đình chỉ hoạt động nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong 9 tháng.

Để khắc phục hậu quả, Cục Quản lý dược buộc đưa 2 lô thuốc Capetero 500 ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất. Trường hợp không áp dụng được biện pháp này thì buộc tiêu hủy.

Trước đó, vào ngày 13-7, Cục Quản lý dược cũng ra quyết định thu hồi thuốc vi phạm mức độ 2 đối với Công ty TNHH phân phối Liên hợp Đông Dương do nhập khẩu nhưng không có giấy phép nhập khẩu do Cục Quản lý dược cấp theo quy định đối với thuốc kiểm soát đặc biệt.

Tạm ngưng thi công các công trình đường bộ dịp lễ 2-9

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có thông báo tạm ngưng thi công các công trình có tổ chức đào đường, vỉa hè trên địa bàn TP trong thời gian từ ngày 1 đến hết ngày 2-9. Việc này nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 2-9.

Chủ đầu tư các công trình được yêu cầu có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương tái lập toàn bộ các đoạn đang thi công, xong trước ngày 1-9. Các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường đang khai thác được phép tồn tại hàng rào công trường nhưng phải thu gọn hàng rào công trường, dọn dẹp sạch sẽ khu vực công trường.

Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện - Ảnh 4.
Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện - Ảnh 5.
Tin sáng 17-8: Kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; Giữ ổn định giá điện - Ảnh 6.
Xây dựng phương án giá điện 2022, Bộ Công thương có chậm công bố giá thành? Xây dựng phương án giá điện 2022, Bộ Công thương có chậm công bố giá thành?

TTO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, trong khi đó Bộ Công thương vẫn chưa công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện theo thông lệ hằng năm.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp