Y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Q.9, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bắt đầu hoạt động từ ngày 14-1, Trạm y tế online phường Trúc Bạch đang hoạt động rất tích cực trên Facebook.
Trạm đã cung cấp cách thức để người dân liên lạc với trạm khi cần, cách đối phó với COVID-19, tập thở hằng ngày như thế nào hay khi nào là dấu hiệu cần cấp cứu. Mọi người dân cần hỗ trợ đều có thể đăng bài trực tiếp lên trang để quản trị viên tiếp nhận và xử lý.
Đây là mô hình Trạm y tế online đầu tiên của Hà Nội, hiện Hà Nội đang liên tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới hằng ngày, số ca tử vong cũng đã tăng trong những ngày gần đây.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Cả nước gần 6.000 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị
Báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết hiện có 277.284 F0 đang điều trị, trong đó có 100.491 ca đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện, bao gồm gần 6.000 ca nặng.
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới ngày 16-1 đã giảm 23,1%, số ca tử vong giảm 22,1%, số ca nặng giảm 2,4%.
So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới giảm 5,9%, số ca tử vong giảm 9,4%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 10,9%, số ca nặng, nguy kịch giảm 7,9%.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM (phường 4, quận Gò Vấp) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tăng cường kiểm tra thực phẩm giả, kém chất lượng dịp Tết Nguyên đán
Theo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, cục này yêu cầu các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, chống sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.
Đồng thời, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh COVID-19 và tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn.
Không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm. Đối với người tiêu dùng, chỉ chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.
Nhân viên y tế quận Sơn Trà đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: LÊ THÚY
Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi hiến máu dịp Tết, đảm bảo an toàn chống dịch
Tại ngày hội chính Chủ nhật đỏ lần thứ 14 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết năm 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, có những thời điểm làm thiếu hụt nguồn người hiến máu, gây khó khăn cho công tác điều trị cho người bệnh.
Tuy nhiên, nhờ sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân cả nước nên lượng máu tiếp nhận cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh, mang lại sự sống cho hàng triệu người bệnh.
Ông Tuyên cũng cho rằng, hiện nay, nhu cầu truyền máu ngày càng tăng do nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng tăng cao.
Do vậy, để đảm bảo đủ máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị luôn là áp lực rất lớn cho ngành y tế, đặc biệt vào những thời điểm dịch bệnh bùng phát và lây lan nhiều trong cộng đồng. Trong khi đó, lượng máu tiếp nhận được tại nước ta mới chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu điều trị.
Theo ông Tuyên, sang năm 2022, dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn và có thể có những diễn biến phức tạp.
Ông đề nghị các trung tâm truyền máu, các bệnh viện có tiếp nhận máu phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để tổ chức các hoạt động, sự kiện hiến máu đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch và tuyệt đối an toàn cho người hiến máu, người nhận máu, nhân viên y tế và những người làm công tác tuyên truyền, vận động, công tác tổ chức điểm hiến máu.
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
Tối 16-1, Hà Nội thông báo 24 giờ qua ghi nhận 2.983 ca COVID-19 mới. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (191), Hoàng Mai (186), Thanh Trì (156), Đông Anh (123), Thanh Xuân (116), Hai Bà Trưng (135)... Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 91.370 ca.
Tính tới hết ngày 15-1, toàn thành phố có gần 60.000 F0 đang được điều trị và cách ly. Tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29-4 đến nay ở Hà Nội là 337 người.
- Quảng Bình từ 6h ngày 15-1 đến 6h ngày 16-1 ghi nhận thêm 76 ca COVID-19, trong đó có 37 ca cộng đồng; trong ngày có 68 ca xuất viện. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.848; số ca điều trị khỏi là 3.958, còn 281 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 542 F0 đang điều trị tại nhà.
- Ngày 16-1, Quảng Trị cho hay trên địa bàn vừa ghi nhận 74 ca COVID-19. Trong đó phát hiện qua giám sát cộng đồng 52 người, cách ly tại nhà 16 người, cách ly y tế 1 người và trở về từ vùng dịch 5 người.
- Đà Nẵng hiện chỉ có 25 ca nặng, chiếm 0,6%; 99% bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Mặc dù số ca F0 điều trị tại nhà đã tăng, tuy nhiên chỉ mới đạt 50% so với số ca mắc. Tính từ 13h ngày 14-1 đến 13h ngày 15-1, Đà Nẵng ghi nhận 874 ca mắc, trong đó có 617 ca cộng đồng.
- Từ 0h ngày 16-1, Tây Ninh cho phép quán karaoke, massage, Internet được hoạt động trở lại nhưng đảm bảo các tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Trong ngày 15-1, toàn tỉnh Tây Ninh có 470 ca mắc mới, 6 người tử vong. Tính từ đầu đợt dịch, Tây Ninh đã ghi nhận hơn 93.000 ca COVID-19, hiện đang điều trị cho hơn 6.000 người, 763 người tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận