13/01/2022 07:36 GMT+7

Tin sáng 13-1: Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp chống dịch không phù hợp

L.ANH - X.MAI - TTXVN
L.ANH - X.MAI - TTXVN

TTO - Bộ Y tế được yêu cầu khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 không phù hợp. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn mới về thích ứng an toàn với dịch (hướng dẫn 4800 sửa đổi).

Tin sáng 13-1: Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp chống dịch không phù hợp - Ảnh 1.

Y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Q.9, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tính đến ngày 12-1, TP.HCM có gần 500.000 ca COVID-19 (chiếm khoảng 5% dân số của TP), trong đó có hơn 300.000 bệnh nhân đã xuất viện, do đó các nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu COVID-19 là đáng quan tâm.

Tại Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 12-1, TS.BS Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP - cho biết từ ngày 1-12-2021 đến 10-1-2022, có 1.021 bệnh nhân có vấn đề sức khỏe sau khi khỏi COVID-19 đến khám ở tất cả các chuyên khoa. 

Ghi nhận hầu hết bệnh nhân mệt mỏi, suy nhược cơ thể, tinh thần lo lắng..., trong đó có 50% bệnh nhân gặp vấn đề hô hấp.

Theo TS.BS Anh Dũng, đến thời điểm hiện tại, bằng chứng cho thấy hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc lớn tuổi có bệnh nền, mà còn gặp ở những người mắc bệnh nhẹ, trẻ tuổi và khỏe mạnh.

Do đó, ngành y tế đã đưa ra hai chiến lược chăm sóc người hậu COVID-19, gồm chiến lược tiếp cận sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội; chiến lược can thiệp, điều trị, chăm sóc sớm.

Mục tiêu trong thời gian tới của ngành y tế là xác định mô hình bệnh tật của người dân hậu COVID-19 trên địa bàn TP; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu nhiễm COVID-19; nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu COVID-19, đặc biệt tại các tuyến y tế cơ sở.

Đồng thời, xây dựng hướng dẫn điều trị hậu COVID-19 theo các phân tuyến điều trị và truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân trong công tác tự chăm sóc và theo dõi điều trị hậu nhiễm COVID-19.

Tin sáng 13-1: Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp chống dịch không phù hợp - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Y tế cơ sở TP.HCM còn tồn tại nhiều khó khăn

Một trong những hoạt động của ngành y tế TP.HCM năm 2022 là nâng cao năng lực y tế cơ sở. Tuy vậy, theo đại diện Sở Y tế TP, hiện nhân lực tại các trạm y tế không đảm bảo nhu cầu theo dân số. Nhân viên y tế phải kiêm nhiệm nhiều chương trình sức khỏe, bác sĩ tại trạm y tế vừa làm công tác điều hành, quản lý trạm y tế vừa khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó còn thiếu nhiều vị trí lãnh đạo quản lý cho trạm y tế, lãnh đạo khoa, phòng các trung tâm y tế… do chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. 

Ngoài ra, sinh viên mới ra trường thường không chọn về tuyến y tế cơ sở do sự chênh lệch về thu nhập, cơ hội được tham gia đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ… giữa đơn vị tuyến y tế cơ sở thấp hơn so với tuyến TP.

Để có nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân phải có giải pháp đồng bộ: vừa đào tạo, thu hút, đãi ngộ, vừa giữ chân nhân viên y tế tuyến cơ sở an tâm công tác để nâng cao năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở.

Đồng thời, phải có chính sách phối hợp giữa y tế cơ sở với tuyến trên, tranh thủ sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên khoa đầu ngành.

Tin sáng 13-1: Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp chống dịch không phù hợp - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lấy mẫu cho người dân phường 3, quận Bình Thạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chính phủ yêu cầu sớm có văn bản chấn chỉnh biện pháp phòng dịch không phù hợp

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 không phù hợp.

Theo công văn, tổng hợp thông tin của Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho thấy gần đây báo chí phản ánh nhiều biện pháp chống dịch của địa phương cực đoan hoặc trái chủ trương chung, như tự ý thu tiền xét nghiệm của người đến tiêm vắc xin; mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ hay mua mang về thay đổi liên tục; có địa phương nâng cấp độ dịch vượt quy định nhằm mục đích để người dân "lo", nhưng kèm theo là những ảnh hưởng về vận tải hành khách công cộng và nhiều loại dịch vụ...

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, hiện Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn mới về thích ứng an toàn với dịch (hướng dẫn 4800 sửa đổi).

Tin sáng 13-1: Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp chống dịch không phù hợp - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong điều trị F0 tại nhà

Tại Khánh Hòa, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà được tỉnh đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị để giảm áp lực cho nhân viên y tế; đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng ưu tiên như người già, người mắc bệnh nền…

Theo thống kê, thành phố Nha Trang có khoảng 20.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, trong đó chỉ còn khoảng 5.700 ca đang điều trị. Hiện trung bình mỗi ngày cả thành phố ghi nhận khoảng 400 ca mắc.

Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố triển khai ngay việc điều trị tại nhà các trường hợp F0 nhẹ hoặc không triệu chứng theo hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ.

Ngoài trạm y tế lưu động, các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà để thường xuyên theo dõi sức khỏe, phát thuốc điều trị, xử lý các tình huống liên quan đến sức khỏe F0.

Các huyện, thành phố thành lập các trạm oxy y tế lưu động theo khu vực để kịp thời hỗ trợ các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Sở Y tế tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực các cơ sở y tế để phục vụ điều trị F0 triệu chứng nặng.

Tin sáng 13-1: Chính phủ yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp chống dịch không phù hợp - Ảnh 5.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Hà Nội tối 12-1 thông báo trong 24 giờ qua ghi nhận 2.948 ca COVID-19 mới, trong đó có 670 ca cộng đồng. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Ba Đình (116); Hoài Đức (111); Bắc Từ Liêm (98); Long Biên (94); Hoàn Kiếm (93); Đống Đa (83)…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 79.615 ca. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch ở Hà Nội liên tục tăng. Nếu ngày 8-1 có 408 ca nặng, nguy kịch thì 3 ngày sau, con số này tăng lên gần 490 ca.

- Tối 12-1, Hà Nam công bố thêm 86 ca COVID-19. Trong đó có 78 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế. Trong đợt dịch mới từ ngày 19-9 đến nay, tỉnh ghi nhận 3.470 ca COVID-19. Trong số đó, 1.409 ca ở khu phong tỏa, tại nhà; 1.252 ca qua sàng lọc; 754 ca tại các khu cách ly và 55 ca cộng đồng.

Trưa 12-1, Hải Phòng đã hạ cấp độ dịch từ cấp 4 xuống cấp 3 (vùng cam) và chỉ còn 6 quận, huyện vẫn trong vùng đỏ gồm quận Lê Chân, Hồng Bàng, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy, An Dương; các quận, huyện thuộc vùng cam - cấp độ nguy cơ cao gồm quận Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn thuộc cấp độ 1 - bình thường mới.

- Sơn La vượt 2.000 ca COVID-19, mở rộng phương án điều trị F0 tại nhà. Sơn La đã ghi nhận thêm 108 ca COVID-19. Trong đó, huyện Phù Yên 23 ca; huyện Mai Sơn 10 ca; huyện Mộc Châu 17 ca; huyện Bắc Yên 4 ca; huyện Mường La 18 ca; huyện Thuận Châu 15 ca; huyện Yên Châu 3 ca; huyện Sông Mã 9 ca và thành phố 9 ca.

Lũy kế từ ngày 5-10-2021 đến sáng 12-1-2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.058 ca COVID-19. Hiện có 689 F0 đang điều trị tại các cơ sở y tế và 253 trường hợp điều trị tại nhà.

- Đà Nẵng đang khẩn trương hoàn thiện và sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2. Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẵn sàng nhân lực để kích hoạt khi số ca bệnh tăng nhanh. Sở Y tế thành phố cho biết số ca COVID-19 gần đây có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi ngày có 300 ca. Hiện Đà Nẵng đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng Omicron, đều được cách ly sau khi nhập cảnh.

Tin sáng 12-1: Nhiều di chứng hậu COVID-19, kể cả nhẹ; Hải Dương: dự tiệc cưới phải xét nghiệm Tin sáng 12-1: Nhiều di chứng hậu COVID-19, kể cả nhẹ; Hải Dương: dự tiệc cưới phải xét nghiệm

TTO - Trong công điện vừa gửi đi tối 11-1, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, hoàn thành 2 liều cơ bản cho trẻ từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1, trong quý 1 hoàn thành liều nhắc lại/bổ sung.

L.ANH - X.MAI - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 chống dịch
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp