Ông Dương Quang Thiện - Ảnh: Tự Trung |
Trước khi đi vào giải pháp cho minh bạch hóa, cần phải xác định rõ quyết tâm này: xóa bỏ những “hội chứng bí mật”, xóa bỏ cái lệ làm hai hệ thống sổ sách để đối phó, ăn gian thuế, xóa bỏ những ngụy biện để bảo vệ việc tù mù sổ sách, tạo điều kiện cho các vấn nạn tham nhũng, lũng đoạn...
"Minh bạch là việc muốn hay không, chứ không phải việc không thể làm được. Giải pháp của tôi là phải tin học hóa toàn bộ hoạt động của quốc gia, trong ấy việc tin học hóa xí nghiệp quốc doanh cũng như tư nhân là điểm mấu chốt" Dương Quang Thiện |
Giải pháp của tôi là phải tin học hóa toàn bộ hoạt động của quốc gia, trong ấy việc tin học hóa xí nghiệp quốc doanh cũng như tư nhân là điểm mấu chốt. Hiện giờ VN có khoảng 500.000 xí nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước đã được nối mạng và được trang bị phần cứng đầy đủ, nhưng lại không có một hệ thống thông tin (HTTT) chính xác, hiệu quả giúp quản lý xí nghiệp. HTTT phần lớn không được xây dựng theo mô hình Enterprise resource planning (ERP) - hoạch định nguồn lực doanh nghiệp từ một cơ sở dữ liệu thống nhất như ở các nước tiên tiến.
Muốn xây dựng được HTTT như vậy, người thực hiện cần phải có hiểu biết sâu về chuyên môn của các cơ quan, xí nghiệp, cần biết về kế toán, tồn kho vật tư, công nợ khách hàng/nhà cung cấp, về khấu hao tài sản cố định, về lao động tiền lương, xử lý hóa đơn, khách hàng, quỹ tiền mặt và ngân hàng... Họ cần phải là phân tích viên + triển khai viên + kiến trúc sư tin học.
Vậy phải giải quyết thế nào? Nhân viên tin học của 500.000 xí nghiệp không thể đến trường nghe giảng kinh tế và IT, thì các môn kinh tế và IT phải về đến tay các nhân viên qua Internet, thông qua những lớp online theo phương pháp step-by-step (từng bước một). Với hạ tầng truyền thông là Internet, ta có cơ hội dạy cùng lúc cho một số lớn học viên từ các xí nghiệp cách làm thế nào tự tin học hóa việc quản lý sử dụng máy tính và tự thành lập một HTTT quản lý cho mình, với phí tổn hầu như bằng không...
Chúng tôi đã tạo ra được một nội dung cho mỗi môn học hình thành những modul của mô hình ERP. Sẽ có bảy môn học cốt lõi tương ứng với bảy modul ERP: (1) Order processing & sales (OPS) - Xử lý hóa đơn và bán hàng, (2) Inventory control (IC) - Tồn kho sản phẩm/vật tư, (3) Account receivable (AR) - Công nợ khách hàng, (4) Fixed Assets (FA) - Tài sản cố định, (5) Account payable (AP) - công nợ nhà cung cấp, (6) Cash & bank (CBK) - Tiền mặt & ngân hàng, (7) Payroll (PAR) - Lao động tiền lương.
Khi người học đã hiểu thấu phần kinh tế của modul, chúng ta bước qua dạy cách thực hiện chức năng kinh tế thông qua các chương trình phần mềm máy tính: thành lập những chương trình xử lý dữ liệu theo kiểu từng bước một, xong bước này tới bước khác. Khi đạt đến bước cuối cùng thì modul sẽ được đưa vào hoạt động.
Để giải quyết vấn đề này, nhóm chúng tôi đã và đang soạn những tập sách đặc biệt: một dành cho kiến trúc sư, một dành cho triển khai viên. Còn sách dành cho phân tích viên thì bộ sách Phân tích thiết kế các HTTT của Dương Quang Thiện đã khá đầy đủ và phát hành từ lâu.
Sau khi hoàn thành công trình “tin học hóa xí nghiệp”, chúng tôi sẽ tiếp tục soạn thảo các modul để “tin học hóa bộ máy quản lý hành chính”. Chúng tôi tin rằng khi các hoạt động đều được công khai và minh bạch, các tệ nạn sẽ khó tìm được chỗ đứng và cuộc sống của mỗi chúng ta sẽ tốt hơn rất nhiều.
7 bước đã đi được 2 bước Ông Dương Quang Thiện là người đầu tiên tạo nên những bước đi của công nghệ thông tin tại VN. Ông nổi tiếng với những bộ sách “gối đầu giường” của dân IT, nổi tiếng với phương châm sống “lấy giáo dục nuôi giáo dục”, với những năm tháng dài gắn bó với các chương trình học bổng “Vì ngày mai phát triển”. Năm nay đã xấp xỉ tuổi bát thập nhưng ông không nghỉ ngơi. Mỗi ngày, ông và những cộng sự trẻ tuổi của mình (nhóm BIS) vẫn miệt mài với dự án phổ cập “tin học hóa các hoạt động xã hội”, mơ đến một ngày cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ mọi hoạt động đều được công khai, minh bạch hóa (đọc thêm “”, Tuổi Trẻ ngày 10-9-2012). Trong bảy modul của mô hình ERP đề ra, hiện nhóm BIS đã thực hiện được đến modul thứ hai và đang sẵn lòng truyền giảng lại cho học viên đến từ các cơ quan, xí nghiệp. Theo ông Thiện, học viên sẽ được học phần lý thuyết (phần kinh tế), sau đó thực hiện thực hành những chương trình (phần IT), và như vậy họ sẽ là người thấu hiểu nhất hệ thống thông tin quản lý của mình được hình thành thế nào, hoàn toàn khác với việc sử dụng phần mềm ERP mua của nước ngoài. Ông Thiện cho biết: để học và thực hành, modul dễ chỉ cần 2 tuần, cấp độ vừa cần 4-6 tuần, modul khó thì phải mất 12-20 tuần. Như vậy một học viên sẽ cần từ 12 tháng - 18 tháng là có thể học và thực hành xong toàn bộ hệ thống thông tin quản lý. P.Vũ |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận