Sáng 2-12, Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM đã ký kết hợp đồng tài trợ với một doanh nghiệp có giá trị 1,8 tỉ đồng trong vòng 3 năm.
Chưa từng có trước đây
Trong quá khứ, từng có những VĐV bơi lặn của thành phố được các đơn vị, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tài trợ cho việc tập luyện, thi đấu, thậm chí là tập huấn nước ngoài. Nhưng các hợp đồng này chỉ mang tính cá nhân, chưa đại diện cho tập thể.
Còn lần này, tiền sẽ chuyển cho liên đoàn để sử dụng vào các mục đích: hỗ trợ VĐV xuất sắc, khen thưởng những người có thành tích ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tùy vào thực tế phát sinh, bộ môn bơi lặn sẽ đề xuất tài trợ cho các chương trình tập huấn, thi đấu quốc tế...
"Có thể nói đây là hợp đồng lịch sử vì trước đây, chúng tôi chưa từng làm điều này", chủ tịch Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM Trần Mạnh Út chia sẻ với Tuổi Trẻ tại lễ ký kết tài trợ hôm 2-12.
Trước mắt, 4 kình ngư xuất sắc nhất của thành phố là Jeremie Loic Lương, Trần Duy Khôi, Nguyễn Diệp Phương Trâm và Nguyễn Thành Lộc sẽ nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng.
Hỗ trợ này được trích từ số tiền tài trợ mà liên đoàn vừa nhận được. Về lâu dài, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực tài trợ này trong vòng 3 năm tới sẽ được liên đoàn lên kế hoạch cụ thể.
Đến kịp lúc
Là môn thể thao Olympic, bơi lội luôn dành được nhiều sự chú ý ở các kỳ đại hội thể thao. Trước đây, TP.HCM từng có nhiều đóng góp cho đội tuyển bơi Việt Nam nhưng vài năm gần đây lại có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, gần như chỉ có kình ngư Việt kiều Jeremie Loic Lương là người thường xuyên được gọi vào đội tuyển.
Thành tích của tuyển bơi TP.HCM cũng vấp phải sự cạnh tranh dữ dội từ các đơn vị như Quân đội, Quảng Bình, An Giang...
Như ở Giải vô địch bơi quốc gia 2023 hồi tháng 10 vừa rồi, đội bơi TP.HCM giành được 8 HCV, 11 HCB và 14 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn. Dù đội bơi TP.HCM vẫn nằm trong tốp đầu, nhưng nếu không có sự đầu tư kịp thời sẽ rất dễ bị các đơn vị khác vượt mặt.
Do đó, gói tài trợ 1,8 tỉ đồng lần này đến vào thời điểm quan trọng. Ông Trần Mạnh Út chia sẻ: "Việc ký kết hợp đồng lần này sẽ giúp đội tuyển bơi lặn thành phố trước mắt là ổn định về thành tích. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đầu tư nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa để gặt hái thành tích xứng đáng với tên tuổi của thành phố".
Ưu tiên sử dụng cho tuyển bơi TP.HCM
Gói tài trợ lần này được ưu tiên sử dụng cho đội tuyển. Điều này có nghĩa dành cho các VĐV chuyên nghiệp. Còn với đào tạo VĐV trẻ, đó sẽ là chuyện của tương lai. "Đầu tiên là mình phải làm sao sử dụng cho tốt nguồn lực này.
Các nhà tài trợ, nhà đầu tư thấy mình làm tốt thì họ mới tiếp tục bỏ tiền ra để hỗ trợ liên đoàn có kinh phí lo cho nhiều hoạt động khác. Đây chính là bước đầu của việc thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển lâu dài", ông Út chia sẻ.
Không chỉ với liên đoàn mà đối với các VĐV, gói tài trợ lần đầu tiên trong lịch sử này cũng là tín hiệu đáng mừng. Đặc biệt là với những kình ngư như Jeremie Loic Lương, người từ lâu đã tập huấn tại Pháp chủ yếu bằng kinh phí tự túc.
Bà Nguyễn Hồng Vân, mẹ của Jeremie, chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Từ lâu gia đình đã tự lo tiền tập huấn nước ngoài cho Lương. Giờ nghe tin được hỗ trợ, tôi cũng rất mừng vì sẽ đỡ được phần nào kinh phí. Tôi tin các VĐV cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn để tập trung cho việc tập luyện, tập huấn và thi đấu".
Hướng đến thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc 2026
Mục tiêu chính mà Liên đoàn Bơi lặn TP.HCM hướng đến sau khi nhận được gói tài trợ 1,8 đồng là gặt hái thành tích cao tại Đại hội TDTT toàn quốc 2026, diễn ra ở TP.HCM.
Ngoài ra theo ông Trần Mạnh Út, liên đoàn cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ VĐV trong quá trình lên tuyển quốc gia dự các sân chơi lớn như SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận