16/08/2018 11:01 GMT+7

Tín hiệu nhân văn

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Việc TP.HCM dự định miễn học phí cho học sinh bậc THCS được coi là một tín hiệu vui, không chỉ ở TP có đông dân cư lớn nhất cả nước mà còn lan tỏa ra cả nước, bởi TP này luôn là nơi khởi đầu cho hầu hết mọi sáng kiến, mọi sự đột phá mạnh mẽ.

Tín hiệu nhân văn - Ảnh 1.

Học sinh bậc THCS tại TP.HCM có thể được miễn học phí từ tháng 1-2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Mỗi năm TP thu được chừng 350 tỉ đồng học phí từ bậc THCS, số tiền này thực ra là không lớn, chỉ bằng 1/3 số tiền thu ngân sách trong một ngày, nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng lớn lao. 

Từ nay, nhiều gia đình nghèo không còn canh cánh nỗi lo học phí, các em học sinh thuộc diện khó khăn không còn phải mặc cảm với bạn bè.

Một việc làm không quá đỗi lớn lao về kinh tế nhưng mang lại ý nghĩa nhân văn không kể xiết.

Mặc dù vậy, đây mới chỉ là dự định, việc hiện thực hóa một ý tưởng tốt còn phải trải qua nhiều công đoạn nữa và còn nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai.

Dù cho số tiền học phí không lớn so với tổng thu ngân sách TP, nhưng rõ ràng là một số tiền đáng kể với các trường THCS, đặc biệt là các trường nằm ở những huyện chưa có điều kiện phát triển như Cần Giờ, Củ Chi. 

Vì vậy, TP cần tính đến việc thu ngân sách nhiều hơn ở các khoản khác để cấp bù cho các trường bị hụt đi do không thu học phí nữa.

Thêm vào đó, TP và các trường cần tính đến việc tạo ra sự công bằng giữa các gia đình trong việc đóng góp cho giáo dục. 

Đúng là việc miễn học phí sẽ mang lại niềm vui cho gia đình nghèo, nhưng đối với gia đình khá giả thì số tiền này lại quá nhỏ. 

Làm thế nào để các gia đình khá giả, giàu có có thể đóng góp cho nhà trường để tạo ra tâm thế công bằng. 

Trên thế giới, những hội lưu học sinh thành đạt, những hội cha mẹ đỡ đầu các trường học chính là kênh huy động tài chính và vật chất nhằm hỗ trợ cho các trường hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận.

Liên quan đến bậc trung học, TP.HCM cũng còn nhiều việc hệ trọng nữa phải làm tiếp tục. Một trong số đó là làm sao xóa bỏ hoàn toàn được nỗi lo lắng không đáng có của hàng trăm ngàn phụ huynh khi con chuyển sang THPT. 

TP cần dành nguồn ngân sách và cả xã hội hóa làm sao cải tạo, mở rộng các trường THPT hiện có, xây thêm các trường mới để thu nạp hết học sinh cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học, không để tình trạng mỗi năm có đến hàng chục ngàn học sinh không có cửa vào trường công lập (chẳng hạn năm 2018 có 25.000 học sinh không vào được công lập), phải vào học ở các loại hình trường khác, trường chất lượng thấp hoặc phải di chuyển rất xa.

Hiện tượng căng thẳng trong chuyển cấp cho thấy giáo dục vẫn chưa đạt đến mức "phổ thông". 

Do vậy, việc tháo gỡ này cần được ưu tiên sớm, bởi bình đẳng cơ hội giáo dục không chỉ bó hẹp trong học phí mà còn là việc tiếp cận đến những loại hình giáo dục công lập dành cho mọi công dân.

Cuối cùng, TP.HCM cũng cần tính đến việc miễn học phí cho THCS có thể sẽ làm cho học sinh nhập cư tăng lên theo quy luật "nước chảy chỗ trũng", "thóc đâu bồ câu đấy". 

Những giải pháp về quy hoạch không gian và kinh tế cần được chú trọng để không xảy ra tình trạng đột biến này.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp