30/03/2020 21:13 GMT+7

Tin giả lan nhanh hơn virus corona vì các trùm mạng xã hội không chịu làm gì

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Thuật toán của các mạng xã hội chú trọng đến độ viral, tức đếm số "like" và "share" trước hết rồi mới đến độ chính xác của thông tin. Nhiều người sẵn sàng bấm ngay nút share mà thiếu đi sự kiểm chứng.

Tin giả lan nhanh hơn virus corona vì các trùm mạng xã hội không chịu làm gì - Ảnh 1.

Facebook nên gạt sang nỗi sợ làm cụt hứng người dùng bằng các thông báo nhắc nhở kiểm chứng độ chính xác của thông tin họ chuẩn bị chia sẻ nếu không muốn làm "mếch lòng" các chính phủ - Ảnh: REUTERS

Hóa ra, rủi ro mất uy tín lớn nhất Facebook và các mạng xã hội khác không phải là bầu cử tổng thống Mỹ mà là đại dịch COVID-19. 

Nếu tin giả liên quan đến bầu cử tổng thống có thể chỉ làm sai lệch số phiếu cử tri, tin giả về COVID-19 có thể thể cướp đi tính mạng của con người trong chớp mắt.

Lấy ví dụ như ở Iran, những lời đồn về việc uống methanol để chống virus corona đã khiến hơn 300 người ở nước này mất mạng. Những tin giả liên quan đến cách phòng và chữa COVID-19 vẫn nhan nhản trên mạng xã hội.

Vì sao những phương pháp chữa bệnh truyền miệng như vậy vẫn có thể tồn tại?

Theo Hãng thông tấn AFP, một phần là do các thuật toán của mạng xã hội chú trọng đến độ "viral", tức ưu tiên những bài viết có nhiều lượt "like" và "share" hơn độ chính xác của thông tin. 

Một lý do khác là tâm lý "câu like" của cư dân mạng. Theo giáo sư David Rand, chuyên nghiên cứu về não và nhận thức con người thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), người ta thường có xu hướng nghĩ liệu bài viết này có được "like" hay không và được bao nhiêu "like" nếu chia sẻ bài viết này trước khi kiểm chứng độ tin cậy của thông tin. 

Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các tập đoàn công nghệ như Facebook hay Twitter và một thí nghiệm đã chứng minh cho điều này.

Một nghiên cứu do giáo sư Rand tiến hành trên 1.600 người hồi đầu tháng 3 cho thấy nếu có sự can thiệp từ các công ty công nghệ, nhận thức của người dân sẽ tăng lên.

Nhóm tình nguyện viên đầu tiên được cho thoải mái like và share những gì họ thấy trên mạng xã hội. Kết quả nhiều người đã vô tư share cả tin giả mà không hề hay biết.

Nhóm thứ hai cũng được đưa cho những thông tin tương tự, gồm cả tin giả, nhưng kèm theo một lời nhắc rằng nên xem xét độ chính xác của những thứ vừa đọc. Kết quả là nhận thức của nhóm này đã tăng lên gấp đôi.

Giải pháp cho việc hạn chế tin giả liên quan tới COVID-19 rất đơn giản. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Rand gợi ý nếu các công ty công nghệ đồng ý "nhắc nhẹ" người dùng, tin giả sẽ không còn đất sống. 

Facebook hay Twitter chỉ cần thêm một dòng nhắc nhở người dùng kiểm chứng độ tin cậy và nên tạm thời gạt sang một bên nỗi lo sợ có thể làm "cụt hứng" người dùng, bởi vì nếu các mạng xã hội này đầy rẫy tin giả, họ sẽ gặp vấn đề với các chính phủ.

Ứng dụng YouTube trên điện thoại từ lâu đã nhắc nhở cư dân mạng nhớ "tôn trọng người khác khi đăng nhận xét" để hạn chế các vụ "cào phím", chửi bới nhau trên mạng.

Facebook và Twitter từ chối tiết lộ về các kế hoạch hạn chế tin giả nhưng cho biết đang phối hợp với chính quyền nhiều nước để đưa các trang tin chính thống về COVID-19 lên tốp ưu tiên.

Facebook mách người dùng 10 cách phát hiện tin giả Facebook mách người dùng 10 cách phát hiện tin giả

TTO - Làm thế nào để nhận biết được một thông tin trên mạng là tin giả, tin sai sự thật? 10 lời khuyên sau sẽ giúp người dùng có những kỹ năng căn bản để thẩm định các tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp