Thông tin một người đàn ông bắt cóc bé gái 9 tuổi ở Hưng Yên hôm 2-5 loan đi với tốc độ chóng mặt. Tới nay, công an tỉnh này đưa ra thông tin chính thức: đây chỉ là một vụ trộm cắp và có yếu tố dâm ô. Tin đã loan là .
Những tin tức kiểu đó được gọi là tin giả (fake news). Fake news được từ điển Collins chọn là từ tiêu biểu của năm 2017. Từ này được sử dụng với tần suất chưa từng thấy, xuất hiện tăng gấp gần 4 lần (365%) so với năm 2016.
Tin giả có thể sai sự thật hoàn toàn hoặc chứa một phần sự thật với mục đích khiến nội dung trở nên giật gân hơn. Ngoài ra, những thông tin mang tính thiên vị, phục vụ mục đích riêng của người viết cũng được xem là một loại tin giả
Cả rừng tin giả
Ngày 20-7-2017, tin bắt cóc trẻ em được nữ công nhân Hoàng Thị L. tại Vĩnh Phúc tung trên mạng xã hội và ngay sau đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Tương tự, một tài khoản mạng xã hội khác cũng tung tin bắt được cá sấu nặng 83kg tại Cà Mau.
Do đây đều là những thông tin bịa đặt nên những người "sáng tác" những tin giả này đều đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 10 triệu đồng.
Trong năm 2017, tin giả đua nhau xuất hiện trên mạng xã hội như tin "Ebola đã xuất hiện ở Bệnh viện Bạch Mai", "thảm án tại Nam Định", "máy bay rơi tại Đông Anh", "vỡ đập hồ Núi Cốc", "Cường Đôla tặng thẻ cào điện thoại"...
Trong khi bão số 16 đang ngang qua Trường Sa, chưa đổ bộ vào đất liền, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều video với tựa đề "trực tiếp bão số 16", "live cảnh bão đi qua quê tôi", "bão 16 kinh khủng quá"...
Trên thực tế, những đoạn video này là hình ảnh bão số 16 tại Philippines, thậm chí có cả những video bão lũ từ những năm trước đó ở miền Trung cũng bị một số người chuyên kinh doanh hàng online mang ra để câu... like.
Trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt đã bị công an triệu tập và chuyển cho các cơ quan liên quan xử phạt hành chính.
Trong đó, nhiều trường hợp tung tin giả vì những lý do vụ lợi như muốn tăng số lượng người theo dõi các trang bán hàng online của mình, để thu hút thêm khách hàng hay nhận tiền quảng cáo... Nhưng cũng có những trường hợp tung tin giả chỉ vì muốn... nổi tiếng, gây sự chú ý!
Không chỉ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn trên mạng xã hội, tin giả còn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống. Một trong những sự cố lớn trong làng báo liên quan đến tin giả là vụ "nước mắm nhiễm arsen".
Một vụ tin giả nổi tiếng khác là thông tin "cậu bé 11 tuổi tự tử vì không có áo mới đến trường" tại tỉnh Gia Lai, được đăng tải trên một số tờ báo và lan nhanh trên mạng xã hội...
Ông Lê Quang Tự Do - phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) - cho biết nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Việt Nam cũng bị mạo danh đặt tên là các trang tin tổng hợp hay các tài khoản, fanpage trên mạng xã hội.
Ngày 7-3, hai con gái của ông T.H. (Việt kiều Mỹ, sinh sống tại Q.11, TP.HCM) bị người quen bắt cóc tống tiền. Thông tin chính thức được Tuổi Trẻ Online đăng tải (Ảnh). Thế nhưng sau đó, trên nhiều trang mạng, tài khoản Facebook loan tin thất thiệt rằng người cha tạo dựng ra vụ bắt cóc này để tống tiền mẹ ruột mình
Hình phạt nào khi đưa tin giả, tin độc?
Tại Việt Nam, những loại tin tức giả cùng với các thông tin xấu độc trên mạng trực tuyến nằm trong những loại tin tức bị cấm theo nghị định 72/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 15-7-2013, được quy định cụ thể tại điểm d và e, khoản 1, điều 5.
Các hành vi bị cấm bao gồm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân
e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
Hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 174. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 122 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ ba tháng đến bảy năm về tội vu khống.
Thu hút và phát tán nhanh hơn tin thật
Fake news thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống: Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện rằng fake news thu hút được 8,7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ mới đây, trong khi tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh như New York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7,3 triệu lượt chia sẻ, bình luận.
Ở Việt Nam thì sao? Ban đầu, tin giả ở Việt Nam chỉ dừng ở một vài đường dẫn website ca ngợi ông bà lang này, loại biệt dược nọ, gắn với ca sĩ A, người nổi tiếng B để vờ là người dùng uy tín.
Rồi đến những dòng trạng thái trên mạng xã hội nói chuyện ô nhiễm tại một địa phương trong nước nhưng dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu trong quá khứ; video một đoàn xe nào đó nhưng gán câu chuyện về lãnh đạo cao cấp của Nhà nước.
Tại Việt Nam, thời gian qua, những vụ việc tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cá nhân không phải là hiếm.
Điển hình như vụ đăng tin "hai nữ sinh hiếp dâm một nam thanh niên dẫn đến tử vong" được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội hồi đầu tháng 7-2017. Thông tin thất thiệt này đã khiến hai nữ sinh bị vu khống suy sụp tinh thần nghiêm trọng, làm xáo trộn đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của hai nữ sinh này.
"Tôi cảm thấy sốc và không muốn gặp ai, không muốn ra khỏi nhà khi đọc thông tin trên" - N., một trong hai người là nạn nhân của tin đồn thất thiệt này, đã chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ.
Không chỉ các cá nhân, nhiều tổ chức là các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn cũng điêu đứng vì tin tức giả trên Facebook và YouTube.
Tin tức giả thường được phát tán rất nhanh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng. Với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể dễ dàng tạo lập một website, một trang blog hay tài khoản hoặc fanpage trên các mạng xã hội với chi phí gần như bằng 0. Đây chính là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc phát tán tin tức giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận